Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bánh trung thu truyền thống năm nay không còn được sôi động như mọi năm. Thay vào đó, trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, bánh trung thu đang được rao bán khá rầm rộ. Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo, khi mua bánh trung thu người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất.
Nhộn nhịp kênh online, thị trường truyền thống ảm đạm
Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên năm nay, thị trường truyền thống vắng bóng những quầy bán bánh lưu động. Ở kênh phân phối truyền thống, khách hàng chỉ có thể tìm mua bánh tại các siêu thị, đại lý. Tuy nhiên qua khảo sát, tới thời điểm này, tình hình kinh doanh bánh trung thu ở các siêu thị vẫn khá ảm đạm, nhiều siêu thị lớn chưa trang hoàng và nhập nhiều hàng như mọi năm.
Nhiều cá nhân quảng cáo, bán trung thu qua mạng xã hội |
Trái ngược với thị trường truyền thống, hiện nay trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, các trang mạng xã hội hay các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin… bánh trung thu đang được rao bán khá rầm rộ. Giá bán trên các sàn thương mại điện tử cũng ưu đãi hơn từ 5 - 10% so với thị trường truyền thống. Lượng hàng khách đặt mua trực tuyến cũng cao hơn nhiều so với kênh bán hàng truyền thống.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng đó, các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống lâu năm quen thuộc với người tiêu dùng như Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương… năm nay cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang mua sắm trực tuyến với đa dạng chủng loại, giá cả.
Cụ thể, mức giá bánh của các hãng truyền thống trung bình dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/chiếc. Còn đối với hộp, dao động từ 150.000 đến trên 1 triệu đồng/hộp. Những nguyên liệu làm bánh từ thiên nhiên như đậu xanh, khoai môn, hạt sen, mắc ca, long nhãn… vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm nay, không còn cảnh tượng xếp hàng trước để mua bánh trung thu tại hệ thống Bảo Phương (đường Thụy Khuê) - cửa hàng bánh trung thu truyền thống có tiếng ở Hà Thành. Hay như bánh trung thu Đông Phương (Hải Phòng) cũng không tránh được ảnh hưởng do dịch bệnh, thay vào đó, các thương hiệu bánh này triển khai đặt bánh online.
Cửa hàng Bảo Phương nhận đơn hàng trực tiếp qua fanpage bán hàng, vận chuyển bánh trong ngày với đơn nội thành. Giá bánh trung thu không tăng so với trước đây, trong đó, thập cẩm lạp sườn giá 50.000 đồng/chiếc, còn giá bánh dẻo chay là 25.000 đồng/chiếc.
Tại Hải Phòng, bánh Đông Phương với các đơn hàng vận chuyển ngoại tỉnh vẫn được nhận, đi kèm mức giá cho từng loại bánh dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/chiếc (tùy loại và trọng lượng).
Bên cạnh các thương hiệu lớn, các loại bánh trung thu handmade vẫn được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn. Các loại bánh handmade có ưu điểm là giá thành rẻ, chỉ khoảng 15.000 - 50.000 đồng/chiếc. Đáng chú ý, các loại bánh trung thu handmade có thể tùy biến, mix các loại vỏ bánh, nhân khác nhau tùy theo ý muốn của khách hàng. Do có thời gian bảo quản ngắn, nên các cơ sở sản xuất bánh handmade thường chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn của khách đặt.
Thận trọng với bánh không rõ nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm
Mặc dù thị trường bánh trung thu online rầm rộ như vậy, nhưng người tiêu dùng cũng nên thận trọng với các loại bánh không rõ nguồn gốc.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong bối cảnh Tết Trung thu đang đến rất gần và dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội.
Lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện lô bánh kẹo không rõ xuất xứ |
Chính vì vậy, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã rao bán bánh trung thu với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư.
“Tuy nhiên, việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Theo đó, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm”- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cảnh báo.
Các hành vi vi phạm này ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
Đáng lưu ý, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Đặc biệt, nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Người mua hàng tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Theo Lan Anh/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/can-trong-khi-mua-banh-trung-thu-online-163638.html