Sàn thương mại điện tử đang dần trở thành kênh tiêu thụ nông sản khá hiệu quả trong mùa dịch, là phương án mở rộng tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới các hoạt động phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, việc phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả.
Bưởi Phúc Trạch lần đầu lên "chợ mạng"
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Sở Công Thương Hà Tĩnh kết nối và tổ chức phân phối bưởi Phúc Trạch thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử lớn như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada...
Bưởi Phúc Trạch bán trên sàn thương mại điện tử với giá từ 30.000-70.000 đồng/quả
Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9-2021, bưởi Phúc Trạch lần lượt lên sàn thương mại điện tử. Đây là năm đầu tiên quả bưởi Phúc Trạch được đăng ký gian hàng trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn, trong bối cảnh được mùa song khâu tiêu thụ gặp khó do dịch bệnh.
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, dịch bệnh khiến vận chuyển gặp khó khăn, việc bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp người dân giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ do dịch bệnh như hiện nay.
Bưởi Phúc Trạch được bán trên sàn thương mại điện tử với mức giá từ 30.000 - 70.000 đồng/quả tùy loại. Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cho biết, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, sàn đã nhanh chóng tiếp cận với 120 hộ trồng bưởi chính gốc Hà Tĩnh, đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm lên sàn Vỏ Sò, mở một đầu ra mới cho bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021 tổng diện tích trồng bưởi tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch là 2.593 ha, trong đó có 1.777 ha bưởi thời kỳ kinh doanh (cho quả); 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và gần 2.800 hộ sản xuất; tổng sản lượng trên 21.000 tấn, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.
Đặc sản Hưng Yên, Bắc Giang
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên nền tảng số trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, mặt hàng nhãn lồng Hưng Yên cũng đã được hỗ trợ tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Sendo.
Đây là lần đầu tiên, đặc sản Hưng Yên được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Nhãn lồng Hương Chi (Hưng Yên)- đặc sản tiến vua trước mắt sẽ được mở bán cho khách hàng tại Hà Nội.
Nhãn lồng Hưng Yên bán trên sàn thương mại điện tử, hiện mới phân phối tại các thành phố lớn
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, bên cạnh sàn thương mại điện tử Sendo, các sàn thương mại điện tử lớn khác cũng đã có phương án phối hợp để triển khai tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trong cả mùa.
Mặc dù hiện tại việc giao hàng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh giãn cách xã hội, tuy nhiên các sàn thương mại điện tử vẫn đang không ngừng cố gắng nhằm đảm bảo sau khi đơn hàng được đặt trên các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng đặc sản vẫn sẽ được đảm bảo, giữ hương vị tươi ngon khi giao đến tay khách hàng.
Nông sản Tây Bắc
Các nông sản của tỉnh Sơn La như xoài, mận cũng gặp khó khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ hàng hóa gặp trở ngại do việc lưu thông và xuất khẩu hàng hóa bị hạn chế.
Trong bối cảnh đó, đưa các nông sản này lên các sàn thương mại điện tử là một trong những hướng đi được Sơn La triển khai, với sự hỗ trợ của các bộ ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Xoài tròn Yên Châu (Sơn La) bán trên sàn thương mại điện tử
Sản phẩm xoài tròn Yên Châu, mận của tỉnh Sơn La đã được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee. Mức giá theo khảo sát của phóng viên dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg.
Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng
Quả sầu riêng cũng được hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian qua, một trong những kênh hiệu quả là thương mại điện tử. Sầu riêng Đắk Lắk đang vào mùa số lượng dự kiến tới 103.000 tấn. Tuy nhiên, do dịch bệnh, hoạt động lưu thông, thu mua gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh các hệ thống phân phối hỗ trợ siêu thị, một số sàn thương mại điện tử cũng đã vào cuộc để góp phần tăng lượng tiêu thụ sản phẩm đến vụ của các địa phương.
Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho biết đã kết nối với tỉnh Đắk Lắk sau hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức tuần trước. Tuy nhiên, do vận chuyển trong nội thành TP HCM và các tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội khó khăn, Sendo sẽ không phát triển tiêu thụ mặt hàng này qua kênh bán lẻ mà chuyển sang bán buôn, bỏ sỉ.
Phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho hay, đang kết nối các sàn thương mại điện tử với hợp tác xã trồng sầu riêng tại Đắk Lắk để chuẩn bị phương án hàng hoá, đóng gói và vận chuyển. Tuy nhiên, năm nay khâu vận chuyển tương đối khó khăn do TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, kịch bản tiêu thụ, vận chuyển đang được các bên lên phương án kỹ lưỡng trước khi triển khai chương trình.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại đầu tháng 7-2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan để triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau củ quả tươi phục vụ bà con nông dân, người tiêu dùng tại các tỉnh thành và khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội như TP HCM, các tỉnh thành phía Nam và TP Hà Nội... |
Theo Minh Chiến/NLĐO
https://nld.com.vn/kinh-te/hang-loat-nong-san-len-cho-mang-them-kenh-tieu-thu-trong-dich-covid-19-20210905104914697.htm