Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT phía nam (Tổ 970) cho biết, việc thí điểm gói 10 kg/túi nông sản giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ. Khả năng cung cấp về TPHCM hiện nay là 80.000 túi nông sản/tuần (tương đương 800 tấn/tuần), nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng lên 120.000 đến 150.000 túi/tuần (tương đương 1.200 đến 1.500 tấn nông sản/tuần).
Combo 5 loại nông sản tại TPHCM đang có rất đông người tiêu dùng đặt mua - Ảnh Báo Thanh niên
Theo thống kê của Tổ 970, đến ngày 20/8 đã có 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với tổ công tác. Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: Hợp tác xã (chiếm 31,3%); tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); doanh nghiệp (19%); cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).
Tổ 970 đang thí điểm gói 10 kg/túi nông sản nhằm giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ bình quân 10.000 đồng/kg. Chương trình thí điểm được nhiều tỉnh, thành phố tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ.
Theo Tổ 970, chương trình này tạo ra nền kinh tế tuần hoàn (lấy thu bù chi) nhằm tận dụng nguồn vốn của xã hội để thích ứng lâu dài với dịch COVID-19. Chương trình được đánh giá sẽ có tính bền vững cao hơn các siêu thị 0 đồng hay quà từ thiện vì không cần tìm nhà tài trợ lâu dài.
Tổ 970 cho biết, theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TPHCM hiện nay là 80.000 túi nông sản/tuần (tương đương 800 tấn/tuần). Tuy nhiên, nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cấp của 1.200 đầu mối theo hình thức 10 kg/túi có khả năng lên 120.000 đến 150.000 túi/tuần (tương đương 1.200 đến 1.500 tấn nông sản/tuần).
Cân đối cung cầu giữa các tỉnh Nam Bộ
Theo cân đối của ngành NN&PTNT việc cung ứng thực phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện nghiêm giãn cách thời gian tới là TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: Gạo; rau, củ, quả và thịt.
Về gạo, tổng nhu cầu 3 tỉnh, thành phố khoảng 92.540 tấn/tháng, trong đó TPHCM 59.400 tấn/tháng; Đồng Nai 16.740 tấn/tháng; Bình Dương 16.200 tấn/tháng. Tổng sản lượng cung ứng gạo sau khi tiêu dùng của các tỉnh lân cận là 460.000 tấn/tháng, trong đó Long An 230.000 tấn/tháng; Tiền Giang 60.000 tấn/tháng; Trà Vinh 140.000 tấn/tháng.
Tổng nhu cầu 3 tỉnh, thành phố về rau là 169.350 tấn/tháng, trong đó TPHCM 126.000 tấn/tháng; Đồng Nai 23.250 tấn/tháng; Bình Dương 20.100 tấn/tháng. Tổng sản lượng cung ứng rau sau khi tiêu dùng của các tỉnh lân cận là 236.000 tấn/tháng, trong đó Long An 15.000 tấn/tháng; Tiền Giang 51.000 tấn/tháng; Trà Vinh 100.000 tấn/tháng; Vĩnh Long 70.000 tấn/tháng.
Về trái cây các loại, bình quân hằng tháng Đông Nam Bộ cung cấp khoảng 100.000 tấn, ĐBSCL 300.000 tấn. Tổng cây ăn quả đến cuối năm 1,7 triệu tấn. Đủ đáp ứng cho tiêu thụ nội địa và cho cả xuất khẩu.
Tổng nhu cầu 3 tỉnh, thành phố về thịt là 67.900 tấn/tháng, trong đó TPHCM cần 48.000 tấn/tháng; Đồng Nai 11.100 tấn/tháng; Bình Dương 8.800 tấn/tháng. Tổng sản lượng cung ứng thịt của các tỉnh Nam Bộ là 200.000 tấn/tháng, trong đó Đồng Nai 30.000 tấn/tháng (lợn, gà, vịt); Bình Dương 14.000 tấn/tháng (lợn, gà); Bình Phước, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh 15.000 tấn/tháng và các tỉnh khác.
Dựa trên cân đối cung cầu cho thấy hiện tỉnh Đồng Nai đảm bảo được lương thực nội tỉnh và vẫn xuất thực phẩm được sang các tỉnh khác. Tổ 970 cho biết, đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) xây dựng phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TPHCM và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ quả, đảm bảo cung ứng cho người dân Thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Nong-san-gia-re-cung-ung-cho-TPHCM-len-den-1500-tan-moi-tuan/443626.vgp