Nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm TP.HCM đều đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía nam.
Doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu và thị trường sẽ thiếu hàng hóa
Vì thế, bất cứ sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân.
Thiếu hành lá, doanh nghiệp mì ăn liền dừng sản xuất
Báo cáo mới nhất cho thấy chỉ riêng tại Cần Thơ đã có 98% doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Như vậy những DN ở TP.HCM đang có đối tác tại Cần Thơ cũng sẽ đối diện nguy cơ phải dừng hoạt động nếu hết nguyên vật liệu.
Điều quan trọng là thành phố phải tính toán có giải pháp hài hòa để đảm bảo sức khỏe cho người dân nhưng cũng cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM), hiện nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch ở các tỉnh ĐBSCL như nhãn ở Bạc Liêu, Hậu Giang, dừa ở Bến Tre, thanh long ở Long An, Tiền Giang, cùng nhiều loại trái cây khác... Tuy nhiên, để đáp ứng các quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, bà con nông dân thu hoạch cũng như lực lượng lao động tại các nhà máy chế biến, sản xuất bị siết giảm tới 40 - 50%, khiến sản lượng cũng giảm tương ứng.
Hợp tác xã khó khăn trong việc thu hoạch, DN khó tiếp cận vùng nguyên liệu, cộng thêm việc phải tìm đơn vị vận chuyển khiến nhiều DN chế biến nông sản phải tạm ngưng. Công ty Vina T&T dù tự chủ được lực lượng lao động nhưng thời gian làm việc bị rút ngắn nên năng suất giảm mạnh, không kịp tiêu thụ hết trái cây tươi cho nông dân. Bên cạnh đó, việc vận chuyển trái cây từ vùng nguyên liệu tới nhà máy cũng như đến nơi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khi mỗi địa phương lại áp dụng một quy định phòng, chống dịch khác nhau.
“DN giờ còn cố gắng duy trì sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ nhưng cũng phải đối diện rất nhiều nỗi lo như không vận chuyển được hàng hóa, lo địa phương có ca nhiễm, phong tỏa thì mất nguồn nguyên liệu, lo cảng mà phong tỏa thì xuất khẩu đóng băng… Nhưng dù thế nào thì cũng phải cố vì ngưng sản xuất là tất cả công nhân thất nghiệp, khốn đốn ngay. Chỉ mong Chính phủ sớm xác định rõ mục tiêu quyết tâm dập dịch hay sống chung với dịch để đưa ra những phương án hợp lý, hỗ trợ DN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm cuộc sống cho người lao động”, ông Tùng chia sẻ.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), thông tin đến nay một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình 3 tại chỗ (3T) chỉ có thể sử dụng 50 - 60% lực lượng lao động nên không có đủ công nhân sản xuất, dẫn đến hàng hóa bị thiếu. Đặc biệt, khó khăn ở khâu logistics đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. Ví dụ, TP.HCM cùng một số tỉnh lân cận vừa qua bị thiếu mì ăn liền là do thiếu hành lá. Trong khi đó, cả cánh đồng hành lá tại Bà Rịa-Vũng Tàu đến lúc thu hoạch nhưng thương lái không thuê xe vận chuyển được, coi như đứt hàng. Với các DN sản xuất mì ăn liền thì thiếu hành đồng nghĩa với không thể xuất xưởng sản phẩm được vì tất cả gói nêm mì đều cần tới gia vị này. Thế nên hiện nay các DN đều phập phồng vì các nhà cung cấp nguyên liệu có thể dừng hoạt động bất cứ lúc nào. Nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng DN phải ngừng hoạt động, hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.
Sớm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trở lại
Qua ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng DN và tình hình thực tế, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành một số nội dung để duy trì sản xuất hàng hóa. Trong đó, thành phố kiến nghị tạm thời cho phép DN thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ mà chất lượng không đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất.
DN sẽ gửi báo cáo chi tiết cho cơ quan quản lý nhà nước, cam kết không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, thành phố kiến nghị hỗ trợ vốn vay cho các DN ngành lương thực, thực phẩm để thu mua, tăng dự trữ nguyên phụ liệu sản xuất; miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn; đẩy nhanh giải ngân khoản vay; tháo gỡ khó khăn với DN sản xuất theo mô hình 3T như hỗ trợ giảm chi phí, bao gồm giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt cho công nhân tại khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho công nhân...
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho hay theo Kế hoạch 2715 của TP.HCM ban hành ngày 15.8 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có nội dung về việc tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn theo 4 phương án. Đó là tiếp tục thực hiện phương án 3T hoặc phương án 3T theo kíp (luân phiên theo kíp sản xuất); thực hiện phương thức “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm mở rộng”; Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh và cuối cùng là kết hợp các phương thức nêu trên.
Tuy nhiên, ông Chu Tiến Dũng cho rằng việc yêu cầu nơi ở xanh đối với công nhân là không thể đảm bảo được vì đa số họ đều đang ở trọ, không thể có phòng riêng để thực hiện cách ly sau thời gian làm việc, nên phải thực hiện sao cho hợp lý. “Kể từ khi TP.HCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 cũng có một số DN đã ngừng hoạt động. Nếu tính đến thời điểm hết 15.9 thì thời gian kéo dài gần 4 tháng nên số công nhân bị đói kém đang gia tăng rất nhiều. Vì vậy điều quan trọng là thành phố phải tính toán có giải pháp hài hòa để đảm bảo sức khỏe cho người dân nhưng cũng cho phép DN hoạt động trở lại như các nước đã thực hiện”, ông Dũng đề xuất.
Ngoài một số giải pháp trên, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thực hiện nghiêm Công văn 1015 của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, kho, không kiểm tra trên đường để hàng hóa lưu thông kịp thời. Đồng thời thay đổi một số chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng như kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết quý 1/2022 và có thể đến hết tháng 6.2022 (thay vì hết tháng 12.2021 như dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ DN, người dân). Với DN dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì nâng mức giảm thuế giá trị gia tăng lên 50% (thay vì 30% như dự thảo); giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho người thuê đất gặp khó khăn; riêng DN du lịch bị ảnh hưởng liên tục 2 năm 2020 - 2021 thì giảm 50%; DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, DN được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch Covid-19 trong các khoản nộp ngân sách để duy trì sản xuất...
Chuyên gia tư vấn quản trị Đỗ Hòa nhận định: TP.HCM nói riêng và VN nói chung đang đứng trước rủi ro sụt giảm mạnh đơn hàng trong những tháng cuối năm và có thể kéo dài trong năm sau vì thời gian ngừng hoạt động kéo dài nên đối tác phải chuyển đơn hàng sang nơi khác để có sản phẩm bán dịp lễ tết cuối năm. Từ đó, có thể họ vẫn tiếp tục đặt hàng ở nơi khác để đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, hiện nay Chính phủ phải tạo mọi điều kiện cho DN sản xuất trở lại càng nhiều càng tốt vì số thực hiện được 3T rất ít và cũng gặp quá nhiều khó khăn nên sẽ không duy trì được lâu. Có thể hướng dẫn, yêu cầu DN thay đổi lại quy trình sản xuất để hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người như giãn ca, đổi kíp để sống chung với tình hình dịch bệnh. Nếu DN có công nhân nào nhiễm Covid-19 thì đối xử như ca bệnh trong cộng đồng, người không có dấu hiệu thì vẫn tự chữa bệnh tại nhà, người bệnh nặng sẽ đến các cơ sở y tế; Gia tăng truyền thông, nhận thức cho DN và người dân về phòng chống dịch bệnh...
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nguy-co-dut-chuoi-cung-ung-nguyen-lieu-1432570.html