Giá vàng miếng SJC sáng 18.8 giảm nhẹ theo kim loại quý thế giới nhưng vẫn biến động chậm hơn thế giới kéo khoảng cách cao hơn xuống còn 7,8 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC giảm giá nhẹ
Ngày 18.8, giá vàng miếng SJC giảm 50.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào còn 56,75 triệu đồng/lượng và bán ra 57,3 triệu đồng/lượng; PNJ giảm giá mua vào còn 56,65 triệu đồng/lượng và bán ra còn 57,35 triệu đồng/lượng… Chênh lệch giá mua và bán vàng SJC ở mức 700.000 đồng/lượng và cao hơn giá thế giới 7,8 triệu đồng/lượng dù rằng thị trường giao dịch ảm đạm.
Giá vàng thế giới ngày 18.8 giảm 7 USD/ounce, xuống còn 1.888 USD/ounce. Kim loại quý trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 17.8) đã có lúc giảm xuống 1.780 USD/ounce từ mức 1.795 USD/ounce. Những thông tin kinh tế Mỹ công bố không mấy khả quan như doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ giảm 0,4% trong tháng 7 sau khi tăng 1,6% ở tháng 6, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng nhẹ 0,2%. Doanh số bán lẻ toàn phần của nước này giảm 1,1% tháng 7 sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ toàn phần của Mỹ vẫn tăng mạnh 15,8%. Sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,9% trong tháng 7, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng công nghiệp của Mỹ tháng 7 tăng 6,6%.
Giá vàng không thể vượt qua mức 1.800 USD/ounce nhưng một ngân hàng Canada vẫn chưa từ bỏ kim loại quý này. Trong một lưu ý gần đây cho khách hàng, các nhà phân tích hàng hóa tại Bank of Montreal nói rằng họ kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những rủi ro mới với sự gia tăng của biến thể Delta. Tháng trước, ngân hàng Canada cho biết họ thấy giá vàng trung bình trong năm nay vào khoảng 1.815 USD/ounce, tương đối không thay đổi so với dự báo trước đó của họ.
Tâm lý tăng giá mới mà nhà băng này đưa ra khi gần đây họ đã hạ cấp các ước tính tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu trong năm. Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, nhà kinh tế trưởng của BMO, Douglas Porter cho biết họ đang cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống chỉ dưới 6% và nền kinh tế Mỹ sẽ mở rộng thêm 6% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 6,7%.
Nhiều khu vực đang phải đối phó với một làn sóng vi rút dịch Covid-19 tiếp theo đang bùng phát. Không chỉ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại mà lạm phát gia tăng có thể còn kéo dài hơn nhiều nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đang mong đợi. Các trường hợp Covid-19 gia tăng cũng có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung tiếp tục gây thêm áp lực tăng giá trên nhiên liệu. Lạm phát tăng 4,1% cho năm 2021.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gia-vang-hom-nay-1882021-ky-vong-tang-gia-truoc-dich-covid-19-bung-phat-1432177.html