Lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc rất lớn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021.
Bao nhiêu nông, thủy sản cần được hỗ trợ tiêu thụ?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn số liệu thống kê của các Tổ công tác tiền phương về lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, dứa…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…
Số lượng nông sản trên là rất lớn, do vậy Bộ trưởng cho rằng các cục, vụ, đơn vị chức năng liên quan cần đi thẳng vào vấn đề: Cách nào giải quyết khâu đầu ra cho nông sản ở các tỉnh thành hiện nay.
Vẫn trên quan điểm nhất quán, thị trường nội địa rất quan trọng, với tỷ lệ dân số vàng hơn 100 triệu dân, nên cần được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Khi xác định thị trường nội địa là trọng tâm sẽ từng bước tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.
Số lượng nông sản cần kết nối tiêu thụ là rất lớn.
Chia sẻ về nhu cầu kết nối tiêu thụ và xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Cà Mau có thế mạnh về thủy hải sản. Sản lượng tôm hàng năm thu hoạch và đánh bắt (ngoài biển) khoảng 200.000 tấn, cua nuôi và thu hoạch ước đạt 20.000 tấn…
Bên cạnh thế mạnh về thủy sản, Cà Mau còn có tiềm năng rất lớn về tài nguyên rừng. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, cây lúa là sản phẩm chủ lực với tổng diện tích gieo trồng khoảng 115.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 530.000 tấn…
Tương tự như Cà Mau, Long An cũng là địa phương có điều kiện phát triển nhiều loại nông sản, hàng hóa, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng năm, sản lượng gạo của tỉnh ước đạt 1 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại 300.000 tấn/năm; trái cây 550.000 - 600.000 tấn/năm; thủy sản ước đạt 45.000 tấn/năm; thịt hơi các loại 70.000 tấn/năm; trứng gia cầm 530 triệu quả/năm...
Bên cạnh đó, Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (557.000 tấn), hồ tiêu (78.000 tấn), sầu riêng (100.000 tấn)… Đặc biệt là quả bơ đang vào vụ thu hoạch với sản lượng trên 80.000 tấn…
Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, phần lớn nông sản của Long An cung cấp cho thị trường TPHCM nhưng hiện nay, TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện các biện pháp phòng dịch không thống nhất nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, đại dịch cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An.
Bổ sung thêm những vướng mắc trong tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, đại diện các tỉnh Cà Mau, Long An, Đắk Lắk còn cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, nuôi trồng do phải tăng chi phí sản xuất, giảm công nhân, giảm công suất nhà máy…
"Cứu" bằng cách nào?
Đại dịch đang làm gián đoạn khâu lưu thông, vận chuyển, làm thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu kéo dài, hàng hóa nằm chờ tại các cảng chậm xuất khẩu do thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu tăng gấp nhiều lần…
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk đề xuất, các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Trước mắt, Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ, kết nối vấn đề tiêu thụ sản phẩm như: rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.
Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc SaigonCo.op - cho biết, hiện nay, hệ thống đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trước đó, đơn vị đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống.
Hệ thống cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki lưu ý, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất; tối ưu hóa khâu logistics để gia tăng hiệu quả; áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; vùng trồng cần có tổng kho tại các vùng nguyên liệu và đặc biệt tăng cường quảng bá sản phẩm…
Đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức, Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh - Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức - cho rằng, tiềm năng của thị trường Đức còn rất lớn. Với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định, các cam kết đã ký kết, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nói riêng sẽ có cơ hội thâm nhập được sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này.
Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên các kênh thương mại uy tín; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5 và nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ xây dựng cũng như áp dụng hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số (bên cạnh mô hình truyền thống) để quảng bá, góp phần tích hợp đa giá trị vào sản phẩm xuất khẩu.
Để hỗ trợ các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây nguyên trong việc kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do vậy, đề nghị Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố phía Nam đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, sẵn sàng huy động nguồn lực thu hoạch nông sản vận chuyển, bảo đảm lưu thông thông suốt đến tận tay người dùng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi các nhà phân phối, các tập đoàn kinh doanh thương mại, các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước, các sàn giao dịch điện tử, các kênh thương mại trên nền tảng số, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các thương nhân hãy vào cuộc thật sự quyết liệt và sáng tạo để vừa giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm trong hoàn cảnh đặc biệt với tinh thần "một miếng khi đói bằng gói khi no".
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hang-tram-nghin-tan-rau-ca-lon-ga-cua-cac-tinh-phia-nam-can-cuu-dau-ra-20210807064556945.htm