Hiện nay, ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) bắt đầu vào vụ thu hoạch na dai, còn nhãn thì chuẩn bị vào vụ chính. Cũng như các nông sản khác, do đại dịch Covid-19, sản phẩm na, nhãn- nông sản chủ lực của huyện cũng đứng trước nhiều thách thức trong tiêu thụ. Để vượt qua đại dịch, các cấp chính quyền, HTX và người dân nơi đây đã và đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp, quyết tâm giành thắng lợi vụ na, nhãn này.
Mấy năm gần đây, nhắc đến huyện Lục Nam, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu nhãn Lục Sơn bởi đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao, với quy trình sản xuất an toàn VietGAP. Tuy nhiên, do thời điểm này dịch Covid-19 trong và ngoài nước diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở những thị trường truyền thống, như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… khiến người trồng nhãn không khỏi lo lắng khi thời vụ thu hoạch đã đến.
Kiểm tra nhãn ở xã Lục Sơn trước khi xuất bán.
Ông Đặng Văn Thành, thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn cho biết, gia đình ông hiện có 1 ha nhãn trồng theo quy trình VietGAP, dự kiến năm nay cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả, tăng 4-5 tấn so với năm trước. “Đã có một vài thương nhân đến vườn khảo sát, đặt mua song số lượng không lớn. Nhận định việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn hơn năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi cũng đã chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để thu hút nhiều người biết đến”, ông Thành nói.
Tìm hiểu được biết, không chỉ ông Thành mà nhiều hộ dân có diện tích nhãn lớn ở xã Lục Sơn cũng chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trên các nhóm Zalo, Facebook. Trong đó, nòng cốt là các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam hướng dẫn người dân sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho nông sản của mình.
Ông Nguyễn Đình Thế, Giám đốc HTX cho biết: “Mặc dù chưa vào vụ thu hoạch nhãn, song chúng tôi đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua nhiều kênh để tìm kiếm khách hàng tiêu thụ sản phẩm bằng cách thường xuyên đăng bài, ảnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm na vào các sàn thương mại điện tử trong cả nước”.
Với những biện pháp tích cực trên, hiện nay, mặc dù chưa vào chính vụ thu hoạch nhãn, song đã có 2 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến khảo sát, đặt vấn đề thu mua cho bà con nơi đây. “HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn có 69 thành viên chuyên sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích khoảng 50 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn, tăng khoảng 40% so với năm trước. Vì nhãn Lục Sơn vừa được cấp mã vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP nên hy vọng sẽ tiêu thụ thuận lợi hơn trong thời gian tới, dự kiến đạt 20 nghìn đồng/kg”, ông Thế nói.
Mấy ngày nay, ông Vũ Tuấn Dũng, thành viên Ban quản trị HTX Na dai Nghĩa Phương tất bật thu mua na của bà con trong vùng để vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Mặc dù rất nhiều chủ thu mua na ở huyện Lục Nam không thể vận chuyển hàng vào sâu trong Hà Nội vì vướng các chốt kiểm soát dịch Covid-19, nhưng ông Dũng vẫn có thể "thông chốt" đưa sản phẩm na đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Ông Dũng tiết lộ: “Để xe vận chuyển hàng hóa qua được các chốt kiểm soát, đòi hỏi chủ xe phải có đầy đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo ông Dũng, các lái xe phải xuất trình được các loại giấy tờ sau: Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh, ghi rõ nơi đi, nơi đến do Sở Giao thông - Vận tải Bắc Giang cấp; giấy xác nhận sản phẩm vận chuyển an toàn dịch Covid-19 do UBND xã, huyện cấp và phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Nghĩa Phương là xã có diện tích na dai lớn nhất huyện Lục Nam, với 440 ha, trong đó 60 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; sản lượng năm nay ước đạt 3,7 nghìn tấn. Hiện na ở Nghĩa Phương đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, giá bán dao động từ 25-35 nghìn đồng/kg, loại đẹp 40 nghìn đồng/kg, giảm 30% so với vụ na năm trước. Nguyên nhân chính khiến cho giá bán na bị giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ đến những thị trường truyền thống như Hà Nội và các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: “Nhằm khắc phục những tác động xấu từ dịch Covid-19 đối với hoạt động tiêu thụ sản phẩm na của địa phương, UBND xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện về phòng, chống dịch bệnh, đồng thời khuyến khích người dân tìm kiếm, mở rộng thị trường sang các tỉnh, TP chưa có nhiều dịch Covid-19 như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh…”.
Mấy năm gần đây, Lục Nam được biết đến là địa phương có diện tích nhãn phát triển mạnh, ngoài xã Đan Hội - “thủ phủ” nhãn có tuổi đời hàng chục năm thì nay loại cây trồng này đã xuất hiện nhiều ở các xã: Lục Sơn, Bình Sơn, Đông Phú và Đông Hưng, với diện tích lên đến 640 ha, ước sản lượng năm nay đạt gần 8,2 nghìn tấn, tăng 120 tấn so với năm 2020.
Bên cạnh đó, na dai Lục Nam cũng đã nổi tiếng khắp vùng, bởi khả năng thâm canh, chăm sóc đặc biệt của người nông dân đạt đến trình độ cao. Nếu như trước đây, na dai Lục Nam chỉ cho thu hoạch trong vòng 1 tháng, thì nay đã kéo dài 6-7 tháng, từ tháng 7 đến hết tháng 12 và tháng 1 năm sau. Na được kích thích cho ra quả từ thân nên quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon.
Diện tích na của huyện Lục Nam lớn nhất tỉnh, khoảng 1,8 nghìn ha, tập trung ở các xã: Nghĩa Phương, Huyền Sơn, Cương Sơn, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Sản lượng na năm nay ước đạt hơn 14 nghìn tấn, tương đương vụ na năm trước.
Người dân xã Nghĩa Phương bày bán na dai cho các tiểu thương mang đi tiêu thụ.
Cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, trước đại dịch Covid-19, sản phẩm na, nhãn - nông sản chủ lực của Lục Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong vấn đề tiêu thụ, đưa đến tay người tiêu dùng ở thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt, đối với những thị trường truyền thống, có sức tiêu thụ lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại đang phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, sản phẩm na rất khó bảo quản, sau khi thu hoạch không thể để được lâu, phải xuất bán ngay trong ngày nếu không quả sẽ bị xuống mã, hư hỏng.
Ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Nam cho biết: “Trước những khó khăn, thách thức trên, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ giúp người dân tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, tập trung vào việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản trên các kênh bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử có uy tín và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương nhân về thu mua, tiêu thụ nông sản cho người dân”.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, khó khăn nhất trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm na, nhãn của huyện Lục Nam lúc này là khâu vận chuyển hàng hóa đến các chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị và đến tay người tiêu dùng. Bởi vậy, UBND huyện cũng như các cơ quan chuyên môn của huyện đang tập trung hướng dẫn các chủ phương tiện vận chuyển sản phẩm na, nhãn làm các thủ tục xác nhận, cấp giấy cần thiết, bảo đảm được lưu thông theo các “đường xanh” ra các tỉnh, TP trên cả nước, bảo đảm vừa tiêu thụ nông sản thuận lợi, vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Tránh tình trạng nhiều chủ phương tiện vẫn chưa biết đến những thủ tục này hoặc tự “mò mẫm” đi làm các thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; giúp người dân kết nối với các doanh nghiệp đến thu mua, tiêu thụ nông sản, không chỉ ở thị trường ngoài tỉnh mà còn mở rộng thị trường ngay trong tỉnh tại các trung tâm thương mại, khu cụm công nghiệp tập trung đông người tiêu dùng.
Da dai ở nhiều xã của huyện Lục Nam đã trở thành sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Hữu Luân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Lục Nam cũng khuyến cáo: “Chính những hộ nông dân cũng cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, đồng thời quan tâm chăm sóc, thu hái sản phẩm đúng cách, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo uy tín cho từng sản phẩm của mình”.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/emagazine/365271/na-nhan-luc-nam-chu-dong-vuot-qua-dai-dich-covid-19.html