Thuế thu nhập cá nhân ngày càng bộc lộ bất cập trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, người lao động bị sụt giảm thu nhập và phải chi nhiều hơn cho sinh hoạt phí do giá cả hàng hóa gia tăng.
Nhiều ý kiến đề xuất nên miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong tình hình hiện tại. NGỌC DƯƠNG
Thu nhập giảm, chi phí tăng vẫn đóng thuế đều
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại TP.HCM vào cuối tháng 4, vợ anh Nguyễn Hải (ngụ Q.12, TP.HCM) mất việc, ở nhà trông con 3 tuổi. Với thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, anh Hải phải lo trọn gói tiền thuê nhà, điện nước, tiền ăn hằng tháng cho cả gia đình. Theo tính toán ban đầu của anh, mọi thứ tạm ổn. Nhưng không ngờ, dịch kéo dài nhiều tháng, đặc biệt chi sinh hoạt như điện, nước, chợ búa đều tăng mạnh khiến anh Hải đau đầu.
“Tổng chi phí đã tăng 30 - 50% so với bình thường, nhiều khoản còn phải chi trước tích trữ khi giãn cách nên thiếu trước hụt sau. Thế nhưng cứ đến kỳ trả lương, công ty vẫn đều đặn trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Vợ tôi nghỉ việc nhưng vẫn trong độ tuổi lao động nên không được tính là người phụ thuộc, nên phần giảm trừ gia cảnh chỉ được tính phần tôi và con là 15,4 triệu đồng. Số thu nhập còn lại vẫn phải đóng thuế”, anh Hải cho biết.
Trường hợp của anh Hải là phổ biến trong bối cảnh hiện nay. Thu nhập của đa số người lao động sụt giảm nhưng giá cả hàng hóa tăng cao đã và đang bào mòn cuộc sống của họ nhưng vẫn phải thực hiện đóng thuế TNCN.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhận xét: “Thuế TNCN ngày càng bộc lộ những bất cập khi giá cả hàng hóa tăng lên nhiều nhưng người lao động vẫn không được tính trượt giảm, vẫn nộp thuế theo mức bình thường cũ. Trong số thuế TNCN đóng vào ngân sách hiện nay, số thu đến từ tiền lương, tiền công của người lao động chiếm tỷ lệ lớn bởi doanh nghiệp (DN) chi trả, nên việc xác định nghĩa vụ thuế không thể tránh đi đâu được. Dù vừa qua mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế đã được điều chỉnh tăng lên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc nhưng mức này là không đủ hỗ trợ cho họ trong bối cảnh hiện nay”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, nhà nước cần thực hiện miễn, giảm thuế TNCN từ 3 - 6 tháng cho người lao động để động viên họ trong giai đoạn khó khăn này. Bởi tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân hiện còn lớn hơn cả năm 2009; mà năm 2009 còn miễn thuế TNCN được 6 tháng thì nay cơ quan chức năng cũng nên xem xét thực hiện miễn thuế để hỗ trợ họ.
Cùng quan điểm, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, so sánh DN, hộ kinh doanh hiện nay đều có chính sách xem xét giảm, chậm nộp thuế đến hết năm 2021, trong khi người làm công ăn lương chưa có một chính sách hỗ trợ nào. Vừa qua, DN được giảm thuế thu nhập DN 30% thì cũng nên xem xét giảm 30% thuế TNCN cho người làm công ăn lương.
Xem xét sửa đổi Luật thuế TNCN
Về lâu dài, ông Trần Xoa cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật Thuế TNCN để tránh những bất cập tồn tại nhiều năm qua. Một số điểm cơ bản như cần tính toán lại mức khởi điểm chịu thuế tăng lên 20 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, thu gọn 7 bậc thuế hiện nay xuống còn 4 bậc (5%, 10%, 20%, 30%) và tăng giãn cách giữa các bậc.
Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh vừa qua, theo ông Nguyễn Ngọc Tú là chưa đủ, nếu tính mức trượt giá trên 20% theo quy định của luật mới được điều chỉnh thì mức thay đổi vừa qua phải tăng lên 14 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế chứ không phải 11 triệu đồng. Thế nhưng con số này cũng chỉ mới giải quyết một phần tăng giá của quá khứ chứ chưa tính đến tương lai nên vẫn bất cập khi áp dụng. Chưa kể, cùng là sắc thuế đánh trên thu nhập nhưng thuế đối với DN ngày càng có xu hướng giảm, trong khi thuế TNCN lại vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, theo biểu thuế lũy tiến, thuế suất thuế TNCN cao nhất lên 35%, trong khi thuế thu nhập DN từ 32% giảm dần đến nay còn 20% và trong tương lai xuống 15 - 17%.
“Thuế suất thuế TNCN từ nhiều năm qua không điều chỉnh giảm, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh chưa thỏa đáng khiến người nộp thuế kiệt quệ, gây ra bất bình đẳng và tìm cách né thuế. Theo thời gian, thu nhập của người lao động tăng lên cao hơn, khi lên 30 triệu đồng/tháng thì chịu thuế suất lên 25% là rất cao”, ông Tú nói và cho rằng, việc chờ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi trượt giá lên 20% là quá bất cập. Tổng cục Thống kê công bố chỉ số trượt giá hằng năm thì việc điều chỉnh mức giảm trừ này cũng nên thay đổi mỗi năm cho phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng nên nghiên cứu bỏ bớt thuế suất cao đối với người làm công ăn lương và tính sao để tỷ lệ thuế trên thu nhập của họ vào khoảng 17 - 20% là hợp lý và công bằng với sắc thuế khác.
“Mỗi lần chính sách thuế TNCN điều chỉnh như tăng mức giảm trừ gia cảnh thì số thu năm sau vẫn luôn cao hơn năm trước, nên cũng đừng lo ngại giảm thu. Việc điều chỉnh chính sách hợp lý sẽ góp phần ổn định cho nguồn thu ngân sách nhà nước hơn. Quan trọng cuối cùng là người nộp thuế được trân trọng, có được sự công bằng và đóng góp xứng đáng”, ông Nguyễn Ngọc Tú nói.
Theo Tổng cục Thuế, thuế TNCN trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 73.027 tỉ đồng, bằng 67,7% dự toán và bằng 112,8% so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã góp phần tăng thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán (gấp 2,91 lần), từ đầu tư vốn của cá nhân (tăng 78,2%) và từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 68,8%), góp phần làm số thu thuế TNCN đạt tiến độ thu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo Thanh Xuân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nen-mien-giam-thue-thu-nhap-ca-nhan-cho-nguoi-lao-dong-1421818.html