Các địa phương ở ĐBSCL đang chủ động liên hệ với nhiều kênh phân phối, các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp xuất khẩu để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản
Vào mùa thu hoạch nhưng giá các loại nhãn tại TP Cần Thơ giảm mạnh. Nhãn Ido chỉ còn 6.000 đồng/kg (trong khi đó cùng kỳ năm trước từ 25.000 - 30.000 đồng/kg). Thanh nhãn chỉ còn 25.000 đồng/kg (giảm khoảng 40.000 đồng/kg).
Hàng ngàn tấn nhãn bí đầu ra
Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh, các địa phương tại ĐBSCL và TP HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển nhãn ra các chợ đầu mối, chợ truyền thống ở Cần Thơ và TP HCM gặp khó khăn. Ông Lâm Văn Tính (ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) thấp thỏm: "Bà con ở đây đang lo lắng vì không có thương lái đến hỏi mua. Một số chủ vườn gọi điện hỏi tiểu thương có mua nhãn không nhưng họ nói bây giờ giãn cách rồi, chợ đóng cửa có ai đi chợ đâu mà mua!".
Nhãn ở TP Cần Thơ đang vào mùa nhưng khó khăn về đầu ra .Ảnh: LÊ KHÁNH
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, từ nay đến cuối tháng 7, địa phương còn khoảng 200-300 tấn nhãn và trong tháng 8 có gần 2.000 tấn nhãn cần tiêu thụ. "Thương lái mua nhãn cho nhà vườn ở ngoài TP, khi thu hoạch cần nhiều nhân công. Nhưng thời điểm này đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể tập trung đông người. Không chỉ nhãn mà nhiều loại trái cây khác cũng đang gặp khó về đầu ra" - ông Nghiêm thông tin.
Tương tự, gần 5.000 tấn nhãn của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch trong tháng 7 và 8 cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ông Phan Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tại các vùng trồng nhãn, nhất là khu vực phong tỏa, phải chịu thiếu hụt nhân công thực hiện các công việc như: thu hoạch, bốc xếp, sản xuất. Trong khâu vận chuyển, các xe chở nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Trong khi đó, trái nhãn có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên ảnh hưởng thời gian vận chuyển đến các đơn vị, doanh nghiệp (DN) thu mua. Cùng với đó, một số thương lái thu mua bằng đường thủy thì không được cấp phép vận chuyển. Ngoài ra, vẫn còn nhiều diện tích trồng, nông dân chủ yếu bán nhãn thông qua thương lái theo kiểu truyền thống khiến giá trị sản phẩm bị ảnh hưởng...
Theo chị Nguyễn Tường Vy - hộ trồng nấm rơm thuộc xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - hiện giá nấm rơm đang giảm xuống thấp nhất trong vòng nhiều năm. Nấm rơm tại ruộng được thương lái thu mua với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với 2 tháng trước vì đầu ra nông sản gặp khó.
Tăng cường các kênh tiêu thụ
Trong khi đó, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết hiện các ngành chức năng của tỉnh đang trao đổi, thống nhất với các đơn vị thu mua nông sản cũng như tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như hệ thống siêu thị
(Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn, SATRA...), trung tâm thương mại, các DN chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản. "Bên cạnh các giải pháp nêu trên, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho Sở Công Thương phải chủ động và thường xuyên liên hệ trao đổi với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, TP trong nước để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh" - ông Thư khẳng định.
Đối với các nông sản khác như rau màu, cây ăn trái (xoài ở huyện Chợ Mới) và vùng chuyên canh nếp ở huyện Phú Tân, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải chủ động có kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết DN, mời gọi thương lái vào địa bàn thu mua, bảo đảm thu hoạch và tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn. Tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán các sản phẩm nông sản này trên các sàn TMĐT như Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart... "Vấn đề còn lại là Sở Y tế có kế hoạch hỗ trợ hóa chất khử trùng, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế cho các địa phương có sản phẩm nông sản đang kỳ thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ tiêu thụ nông sản được thuận lợi. Đồng thời cử cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng dịch Covid-19 tại các vùng sản xuất nông sản tập trung, các DN, thương nhân thu mua, tiêu thụ và phương tiện vận chuyển nông sản" - ông Thư thông tin.
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho hay: "Những ngày qua, để hỗ trợ cho việc tiêu thụ nhãn, ngành công thương tỉnh cũng đã chủ động liên hệ với nhiều kênh phân phối, tiêu thụ, các sàn TMĐT và DN xuất khẩu. Trong đó, các công ty xuất khẩu đang rất cần nguồn hàng khoảng 1.000 tấn/tháng và đạt tiêu chuẩn, bán sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, kết nối với Sở Công Thương TP HCM nhằm mang sản phẩm nhãn về bán tại các điểm lưu động. Ngoài ra, ngành công thương tỉnh cũng đứng ra liên kết với Hội Doanh nhân trẻ, Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn phối hợp làm chuyến xe nông sản đưa sản phẩm nhãn đến các tỉnh, TP nhằm đa dạng hóa đầu ra cho nông dân...".
Vẫn giữ mục tiêu xuất khẩu Ngày 26-7, tại họp báo trực tuyến của Bộ NN-PTNT về công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP phía Nam, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định sản xuất lúa và các loại rau củ quả được mùa trên bình diện cả nước đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, một số mặt hàng còn có dấu hiệu cung vượt cầu. Đối với nhóm sản phẩm chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay nguồn cung đang rất lớn. Tại vựa heo Đồng Nai, mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con nhưng tiêu thụ nội tỉnh chỉ trên 1.300 con (15%); còn gà thịt khoảng 100.000 con, tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5%, còn lại bán cho TP HCM và các tỉnh. Hiện giá 2 mặt hàng này đang xuống thấp do vận chuyển khó khăn, nhiều cơ sở giết mổ phải đóng cửa (do có F0 hoặc thiếu nhân công, không thể bố trí sản xuất 3 tại chỗ) và nhu cầu giảm. Về giải pháp, theo ông Thắng, cơ quan chức năng đang nỗ lực để kết nối cung cầu, hạn chế tình trạng nơi thừa nơi thiếu và tháo gỡ trong lưu thông cũng như mở lại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện để tăng lượng tiêu thụ. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, bộ đang xây dựng mạng lưới nông sản, kết nối cung cầu nhằm bảo đảm đủ lương lực cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh. "Hiện đã có gần 400 đầu mối cung cấp nông sản, trong đó 24 đầu mối đã khớp được với nhau và có giao dịch thành công. Ngoài ra, tổ công tác cũng phải tháo gỡ từng việc cụ thể như giúp xe chở nông sản gặp trục trặc, không qua được chốt kiểm dịch có thể lưu thông được" - ông Trần Thanh Nam thông tin. Cũng theo ông Trần Thanh Nam, sắp đến vụ thu hoạch thanh nhãn, bộ đã làm việc với địa phương để chuẩn bị điểm tập kết cho xe của DN xuất khẩu vào thu mua nông sản. Ngoài ra, các cơ quan kiểm dịch động vật, thực vật cũng bố trí trực 24/7, chuyển hình thức kiểm tra trực tiếp sang trực tuyến theo hướng dẫn của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) để hỗ trợ DN xuất khẩu thông suốt. Do đó, Bộ NN-PTNT vẫn giữ kế hoạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 là 42 tỉ USD mà Chính phủ giao từ đầu năm. Ngọc Ánh |
Theo Ca Linh - Thốt Nốt - Tâm Minh/Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/tim-dau-ra-cho-nong-san-20210726214722046.htm