Từ chiều tối 18.7, nhiều người dân ở Hà Nội đã đổ xô đến các siêu thị, chợ dân sinh mua thực phẩm tích trữ, do lo ngại Hà Nội áp dụng các biện pháp mạnh nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Tại các siêu thị Vinmart, hàng hóa được bổ sung tăng gấp 3 lần so với mọi ngày
Người dân đổ xô mua thực phẩm tích trữ
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại siêu thị Vinmart Times City, Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng), từ 18 giờ 30 phút tối nay, sau khi nghe thông tin Hà Nội có công điện khẩn dừng các hoạt động không thiết yếu, người dân chỉ được ra ngoài đường khi cần thiết, nhiều người dân vội vã đến siêu thị mua hàng. Các mặt hàng được chọn chủ yếu là nhu yếu phẩm như: dầu ăn, mì tôm, trứng, rau xanh, thực phẩm tươi sống…
Lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị tăng vọt trong tối nay
Đặc biệt, tại quầy hàng thực phẩm tươi sống, thịt gà, thịt bò, thịt lợn… gần như hết sạch. Hải sản tươi sống, tôm cá, mực cùng cũng không còn nhiều. Một nhân viên quầy cho biết: “Mặt hàng tươi sống chúng tôi thường bán trong ngày, hôm nay nhân viên được nghỉ sớm hơn vì khách hàng đổ xô đến mua đông như chiều 30 tết. Một loáng là hết, nhưng siêu thị không thiếu hàng. Ngày mai thực phẩm tươi sống sẽ lại đầy các kệ ”
Quầy thịt gần như hết sạch
Trong khi đó quầy hàng rau xanh, mặc dù lượng mua khá đông, song nhân viên siêu thị liên tục chở rau lấp đầy các kệ. Đó là các loại củ quả, rau muống, rau mùng tơi, cải xanh, bí, cà chua…
Tuy nhiên, các mặt hàng trong đợt dịch trước thường được khách hàng vét sạch như gạo, nước mắm, dầu ăn, mì chính, nước rửa tay, giấy vệ sinh… hầu như rất ít người mua.
Chị Thu Hà, ở tòa Park5, Khu đô thị Times City, cho hay: “Nhà tôi có cả người già lẫn trẻ em, dịch bệnh không biết thế nào mà lần, tôi mua đồ dự trữ trong vòng 1 tuần, hạn chế ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Ngoại trừ thực phẩm tươi sống, các loại hàng hóa khác vẫn còn nhiều”.
Ông Đỗ Quang Thuần, đại diện Vinmart miền Bắc, cho biết: "Các siêu thị ở Hà Nội cuối giờ chiều nay đông hơn so với mọi ngày, nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Tại siêu thị Vinmart Times City, chúng tôi đã bổ sung lượng hàng tăng gấp 3 lần. Các siêu thị còn lại trên địa bàn Hà Nội cũng đã tăng lượng lượng từ 1,5 - 2 lần. Hàng hóa đã được chúng tôi chuẩn bị, người dân yên tâm là không thiếu hàng trong những ngày tới”.
Nhân viên siêu thị Vinmart liên tục bổ sung hàng tại quầy bán mì tôm
Tại siêu thị Big C The Garden, Mễ Trì (Q.Nam Từ Liêm), trong tối nay cũng ghi nhận lượng khách hàng đến mua sắm hàng hóa đông, các quầy thanh toán người dân phải chờ từ 15 - 20 phút, nhưng không xảy tình trạng khan hàng. Rau xanh, thịt cá vẫn đủ cung ứng.
Ông Vũ Thanh Tân, Trưởng bộ phận Truyền thông Hệ thống siêu thị Big C, cho hay: “So với ngày thường, lượng khách tới mua sắm cuối giờ chiều nay đông hơn. Tuy nhiên, người dân Hà Nội đã có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước nên họ chỉ mua những mặt hàng thực sự cần thiết, chứ không mua ồ ạt như năm ngoái”.
Đủ hàng dù sức mua tăng "nóng"
Chiều nay, 18.7, tại cuộc làm việc với Sở Công thương Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối cho biết đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 - 5 lần tại các kho hàng. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân.
Theo ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc, hệ thống siêu thị Vinmart, hiện VinCommerce có hơn 800 điểm bán hàng Vinmart và 51 siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội. Hệ thống siêu thị này cũng đảm bảo hàng hoá thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần…, đảm bảo không để trống các kệ hàng.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty BRG Retail, cũng cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá như gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mì phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…
Về thực phẩm tươi sống, đại diện Công ty thực phẩm C.P cho biết, hiện lượng nguyên liệu phục vụ chế biến của đơn vị này lên tới hàng ngàn tấn. Đối với các nhà máy giết mổ, nếu nhu cầu thịt lợn, gà tăng, doanh nghiệp sẽ tăng công suất giết mổ và chế biến lên gấp đối với khối lượng gà khoảng 200 tấn/ngày, lợn khoảng 150 tấn/ngày.
Liên quan đến nguồn cung rau ăn lá cung cấp cho Hà Nội, đại diện Saigon Co.op cho rằng, hiện nay, nguồn cung khá nhiều từ Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, khó khăn nhất là khâu lưu thông từ địa phương này sang địa phương khác. Hiện Big C, Saigon Co.op,… đều có kho hàng ở Bắc Ninh về Hà Nội, song nếu vận chuyển hàng hóa không lưu thông nhanh cũng sẽ gây khó khăn.
Nhiều siêu thị cam kết không thiếu hàng thiết yếu trong những ngày tới
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết tại thời điểm này Hà Nội có nguồn hàng dự trữ khá đảm bảo, nếu trong điều kiện sức mua tăng nóng trong 1 vài ngày thì khả năng cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào. Ít nhất trong 7 - 9 ngày sau đó tiếp tục ổn định theo chuỗi cung ứng mới cho người dân. Hầu hết các hệ thống đều có sự chủ động về nguồn hàng, kho dự trữ tại tỉnh, cũng như dự trữ 3 tại hệ thống phân phối, tăng dự trữ tối đa trực tiếp tại siêu thị đảm bảo cung ứng ngay khi sức mua tăng nóng.
Bên đó, các siêu thị cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ người dân mua sắm cũng như phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả chưa có sự biến động. Các doanh nghiệp vẫn đang nằm trong chương trình bình ổn của thành phố và chưa có dấu hiệu tăng giá.
Về lưu thông hàng, những doanh nghiệp cần cấp “luồng xanh”, đề nghị gửi Sở Công thương trình TP giao Sở GTVT làm đầu mối chậm nhất trong sáng mai, đảm bảo lưu thông liên tỉnh được nhanh nhất.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/thoi-su/sieu-thi-ha-noi-khong-thieu-hang-nguoi-dan-khong-can-tich-tru-1416580.html