Thực hiện chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Từ thành công đó, Huyện ủy xác định ứng dụng CNC là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025.
Những mô hình tiêu biểu
Công ty TNHH Thái Eco ở thôn Bẩy, xã Cảnh Thụy đầu tư phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC từ năm 2017. Ban đầu, Công ty xây dựng 2 nhà màng với tổng diện tích khoảng 4.000 m2. Đến nay, Công ty đã mở rộng với hệ thống 9 nhà màng, trung bình hơn 2 nghìn m2/nhà. Giám đốc Công ty Vũ Văn Tuấn cho biết: Hiện nay, các sản phẩm chủ yếu là rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, bó xôi), củ cải đỏ, dưa leo, dưa giống Nhật, ớt chuông…
Mô hình trồng rau cải xanh trong nhà màng của Công ty TNHH Thái Eco, xã Cảnh Thụy.
Với việc ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên các sản phẩm luôn bảo đảm an toàn, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tác như chuỗi siêu thị, nhà hàng Big C, Aeon, VinMark+, Golden Gate… Mỗi tháng, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp của Công ty đạt hơn 4 tỷ đồng. Tương tự sau 4 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên ở thôn Đức Thành, xã Trí Yên cũng từng bước phát triển. Với 5 nhà màng (mỗi nhà từ 2.500 - 2.800 m2), HTX phát triển các sản phẩm chủ lực như dưa leo, cà chua baby. Riêng sản phẩm dưa leo thường xuyên đạt năng suất hơn 50 tấn/nhà màng/năm, doanh thu từ 600 - 800 triệu đồng.
Với quy mô 60ha, trong đó có hơn 10ha nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ tưới và bón phân tự động của Israel, HTX Rau sạch Yên Dũng ở thôn Huyện, xã Tiến Dũng lâu nay vẫn được coi như “cánh chim đầu đàn” trong sản xuất nông nghiệp CNC của huyện. Mục tiêu của HTX là xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch” dựa trên công nghệ mới, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm “đòn bẩy”.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 200 - 250 ha, trong đó diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới công nghệ cao từ 20 -25 ha. |
Từ mục tiêu đó, HTX không ngừng ứng dụng KHKT, phương pháp canh tác tiến bộ vào sản xuất, lựa chọn những cây trồng phù hợp, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng như: Dưa lê, dưa chuột, cà chua, dưa lưới công nghệ cao, dưa lê Hàn Quốc; bắp cải, bí xanh. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc gia về rau an toàn, HTX tạo được thương hiệu “Rau sạch an toàn Yên Dũng” trên thị trường và trở thành một trong những nhà cung cấp chủ lực rau an toàn cho các siêu thị lớn như: Tmart, Vineco, Co.opmart…
Hỗ trợ, nhân rộng
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU, ngày 16/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Yên Dũng đã hình thành được nhiều mô hình. Hiện toàn huyện có 50 nhà màng, nhà lưới, tổng diện tích hơn 12 ha, tập trung ở các xã: Tiến Dũng, Cảnh Thụy, Tư Mại, Trí Yên, Đức Giang, Xuân Phú. Để phát triển hiệu quả mô hình, ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện hỗ trợ thiết bị tưới nhỏ giọt trong nhà màng, hỗ trợ vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, dồn điền đổi thửa...
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, những mô hình sản xuất trên đều tăng giá trị sản xuất từ 30 -100% (tùy từng loại cây) so với sản xuất truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, chất lượng các sản phẩm được bảo đảm, sạch và an toàn. Việc liên kết tiêu thụ thuận lợi nhờ cung cấp cho hệ thống siêu thị; các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh...
Sản phẩm của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Xuất phát từ hiệu quả thực tiễn, ở nhiệm kỳ này, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được Huyện ủy xác định là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm. Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề, mục tiêu là từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, trên nền tảng phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.
Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đổi mới tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, trang trại có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây trồng ứng dụng CNC đạt 200 - 250 ha, trong đó diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới CNC từ 20 -25 ha.
Được biết, từ nay đến năm 2025, huyện Yên Dũng sẽ triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ như: Cải tạo, nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng; hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Ngoài ra, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng CNC trong trồng trọt ngoài trời; mô hình điểm ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản.
Theo Quốc Trường/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/yen-dung/tin-tuc-su-kien/364076/nhan-rong-mo-hinh-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-tich-tu-ruong-dat-lien-ket-theo-chuoi-gia-tri.html