Đối phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phối hợp thực hiện linh hoạt các kịch bản tiêu thụ vải thiều năm 2021 với nhiều nét mới. Nhờ đó, đến nay huyện đã tiêu thụ được hơn 70% lượng vải với sức mua, giá bán thuận lợi cả trong nước và xuấ khẩu.
Liên kết thuận tiện, khai thác nhiều kênh bán hàng
Gần một tháng qua anh Phạm Văn Nam, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã có mặt tại Lục Ngạn để thu mua, đóng gói vải thiều giao cho các thương nhân Trung Quốc tại cửa khẩu. Anh Nam cho biết, những năm trước anh chỉ có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) giúp các thương nhân Trung Quốc kiểm soát các xe chở vải và chất lượng vải thiều của Lục Ngạn trước khi xuất sang nước bạn.
Anh Phạm Văn Nam (đội mũ) kiểm tra chất lượng vải trước khi đóng gói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay thương nhân Trung Quốc đã ứng tiền trước để anh Nam tự thu mua, đóng gói, giám sát chất lượng, vận chuyển giao hàng cho họ tại cửa khẩu. Anh Nam chia sẻ: “ Được tin tưởng và hợp đồng chặt chẽ với thương nhân Trung Quốc, hiện tôi đã thu mua và giao được hơn 300 tấn vải thiều cho họ thuận lợi với giá bán khá cao”.
Do ảnh hưởng của dịch nên thương nhân Trung Quốc dù đã đăng ký sang Lục Ngạn thu mua vải nhưng không được phép quá cảnh. Vượt trở ngại này, nhiều thương nhân Trung Quốc và Việt Nam chọn cách làm mới đó là phía bạn chủ động ứng tiền để thương nhân Việt Nam thu mua, đóng gói.
Khi xe chở vải thiều lăn bánh lên cửa khẩu thì bên mua sẽ trả nốt số tiền còn lại. Theo UBND huyện Lục Ngạn, ngay từ đầu vụ đã có hàng chục thương nhân Trung Quốc đặt tiền, đăng ký thu mua hơn 30 nghìn tấn vải thiều của Lục Ngạn. Nhờ đó, việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc rất thuận lợi.
Vườn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Nông nghiệp Thanh Hải (Lục Ngạn).
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết cùng với xuất khẩu, nét mới trong tiêu thụ vải của huyện năm nay đó là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; bán hàng online (bao gồm cả trên các sàn thương mại điện tử và gọi điện mua trực tiếp. Hiện đa phần thương nhân Trung Quốc đều dùng hình thức gọi điện mua hàng); tăng lượng vải sấy bằng cách hỗ trợ người dân xây thêm lò sấy vải. Cùng đó, UBND huyện phối hợp với Sở Công Thương, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức chính chính trị-xã hội, DN, HTX… trong và ngoài tỉnh chung tay giúp Lục Ngạn tiêu thụ vải.
Nhiều DN có sử dụng lượng lao động lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, các DN may… đã ký kết thu mua hàng chục nghìn tấn vải thiều đưa vào suất ăn công nhân…
UBND nhiều tỉnh, TP cùng các ngành, cơ quan, tổ chức trong nước đã chung tay tiêu thụ vải cho Lục Ngạn. Nhờ đó, đến hết ngày 20/6 toàn huyện đã tiêu thụ được gần 80 nghìn/hơn 120 nghìn tấn vải thiều; giá bán vải tươi bình quân dao động từ 12 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/kg; giá bán vải sấy khô từ 35 nghìn đồng đến hơn 50 nghìn đồng/kg.
Kích hoạt đồng bộ các kịch bản
Nếu như các vụ trước, gần 60% lượng vải thiều của Lục Ngạn được xuất khẩu thì vụ này lại chứng kiến sự đổi chiều với 60% lượng vải được tiêu thụ trong nước. Hiện lượng vải được bán tại các sàn thương mại điện tử, online, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đạt gần 10 nghìn tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Lượng vải sấy khô đến thời điểm này đạt gần 22 nghìn tấn vải tươi, tăng gấp nhiều lần cả vụ trước.
Việc tiêu thụ vải của Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng kể từ đầu vụ đến nay đều rất thuận lợi, giá bán bình quân cao. Chính dịch Covid-19 đã giúp chúng ta đã khơi thông thị trường trong nước. Hiện vải thiều Bắc Giang đã tới hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, vươn tới các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”. Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương |
Theo Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn, có được kết quả trên là nhờ có sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã giúp người dân Lục Ngạn tiêu thụ vải.
Ngay từ đầu vụ Bắc Giang đã chủ động kết nối và ký 48 thỏa thuận hợp tác tiêu thụ với hơn 61 nghìn tấn vải với các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, siêu thị, DN, HTX trong, ngoài nước thay vì ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ như các năm trước. Các tham tán thương mại, Đại sứ quán nhiều nước, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Singapore, Úc, EU… đều tạo điều kiện tối đa cho Bắc Giang tiêu thụ vải thiều.
Cùng với đó là việc chuẩn bị và thực hiện linh hoạt, đồng bộ các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất. Mặc dù 12 xã của Lục Ngạn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vải vẫn tiêu thụ thuận lợi vì lượng vải ở các xã này cơ bản đã tiêu thụ hết, số ít còn lại sẽ đưa vào sấy.
17 xã còn lại thương nhân vẫn đến thu mua, tiêu thụ bình thường. “Chúng ta đã đề ra tình huống xấu nhất là sẽ đưa khoảng 50 nghìn tấn vải tươi vào sấy. Trong khi đó lượng vải tươi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đạt bình quân hơn 3 nghìn tấn/ngày; giá vải sấy đang tăng cao, với hơn 2,3 nghìn lò sấy đang hoạt động chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm việc tiêu thụ vải từ nay đến cuối vụ sẽ thuận lợi”, ông Tấn nhận định.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kết thúc vụ vải năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ các kịch bản, tình huống tiêu thụ vải, nhất là chung tay của cả hệ thống chính trị, chắc chắn Lục Ngạn sẽ có vụ vải thắng lợi.
Theo Thế Đại/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/thi-truong-vai-thieu-2021/362730/vu-vai-thieu-2021-linh-hoat-ket-noi-khai-thac-cac-thi-truong.html