Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm và cá tra Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Tôm Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu. ẢNH: TNO
Sau 5 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu thủy sản đạt 3,27 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,34 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu cá tra đạt 623 triệu USD, tăng 12%; xuất khẩu cá ngừ đạt 292 triệu USD, tăng 21%...
Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là những thị trường lớn đối với thủy sản Việt Nam. Chẳng hạn tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang tăng mạnh trở lại không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí sau khi nhờ tiêm vắc xin Covid-19 rộng rãi cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của chính phủ. Trong đó, con tôm Việt luôn nằm trong top đầu tiêu thụ thủy hải sản tại quốc gia này. Ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2021 đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trên đà phục hồi và bứt phá với mức tăng lên tới 200% trong tháng 5, đưa kết quả xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay lên 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, thị trường EU đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mặc dù sự hồi phục kinh tế của khối thị trường này chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục rõ rệt khi dịch Covid-19 dần được khống chế. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU trong 5 tháng đầu năm đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, tôm vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 50% với gần 199 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại EU và Mỹ dần được mở trở lại. Trong khi nguồn cung thủy sản của một số nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, một số nhà cung cấp ở Đông Nam Á và Nam Mỹ bị tác động bởi dịch Covid-19. Điều này có thể khiến giá một số mặt hàng thủy sản tăng cùng với xu hướng tăng nhu cầu. Đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm thủy sản đứt gãy, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu... vẫn là những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản cần phải có kịch bản thích ứng. Chẳng hạn mới nhất là cảng Trạm Giang Trung Quốc thông báo tạm ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ 11 quốc gia từ ngày 20.6 - 15.7 do tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại cảng biển. Vì vậy các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin, theo dõi tình hình và có biện pháp ứng phó phù hợp...
Theo An Yến/Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tom-ca-tra-viet-tang-cuong-sang-my-eu-1397773.html