Theo kế hoạch, tháng 7 tới, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức chấm điểm, đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2021. Thời điểm này, các địa phương cũng như chủ thể có sản phẩm tham dự đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, củng cố các tiêu chí.
Ưu tiên sản phẩm mới
Sau gần 2 năm thành lập, đây là năm thứ hai liên tiếp, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quang Duy, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế) có sản phẩm tham dự chương trình OCOP. Theo Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thắng, năm 2020, sau khi được công nhận đạt 3 sao, sản phẩm dầu lạc của HTX được nhiều người biết hơn và có mặt tại một số siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ có uy tín.
Vú sữa Hợp Đức tham dự OCOP đợt 1 (năm 2021). Ảnh: Hoàng Dương
Để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường, đơn vị đã ký hợp đồng sản xuất, cam kết thu mua nguyên liệu (lạc, mè đen) với 50 hộ trong, ngoài huyện giá ổn định. HTX đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy ép mới, công suất 2 tạ nguyên liệu/giờ (trước đây 4-5 tạ nguyên liệu/ngày).
“Năm nay chúng tôi quyết định đưa dầu mè đen Đại An tham gia OCOP bởi đây là sản phẩm có chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho người dùng song ít người quan tâm, sử dụng. Nếu sản phẩm được công nhận, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đợt 1, toàn tỉnh có 42 sản phẩm được các đơn vị đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 18 sản phẩm lần đầu tiên tham dự. Tại huyện Việt Yên, 6/7 sản phẩm tham gia đợt này đều là sản phẩm mới như: Rượu nếp cái hoa vàng, bánh đa cua, bánh đa nem… Đây là những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Tương tự, để quảng bá đặc sản địa phương, lần đầu tiên huyện Tân Yên lựa chọn 4 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực cùng tham gia chương trình OCOP gồm: Vú sữa Hợp Đức, vải sớm Phúc Hòa, măng lục trúc và nem nướng Liên Chung.
Bà Đào Thu Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết: “Việc đưa 4 sản phẩm này tham gia chương trình không chỉ khẳng định giá trị của sản phẩm mà còn là cơ hội để quảng bá, đưa những sản phẩm này vào chuỗi các siêu thị lớn. Khi được lựa chọn tham gia, các chủ thể đều có hướng phát triển, trong đó quan tâm nâng chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện, thương hiệu”.
Lấy chất lượng làm trọng
Dù không phải là địa phương đi đầu trong triển khai song Bắc Giang lại sớm phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn tỉnh có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm đạt 3 sao.
Sản phẩm dầu mè đen của HTX Nông nghiệp Quang Duy tham gia chương trình OCOP năm 2021.
Theo kế hoạch, năm nay các huyện, TP đăng ký 92 sản phẩm, tỉnh đặt ra mục tiêu có thêm từ 20 sản phẩm mới được công nhận trở lên. Để hoàn thành mục tiêu, huyện Yên Dũng bố trí kinh phí hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm dự thi OCOP hoàn thiện các tiêu chí. Với những sản phẩm tham gia nâng sao, UBND huyện hỗ trợ tem nhãn, bao bì cũng như quảng bá sản phẩm.
Huyện Yên Thế lựa chọn 20 sản phẩm tham gia và hướng dẫn để các chủ thể hoàn thiện tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết: “Sở dĩ chúng tôi đăng ký nhiều sản phẩm để các đơn vị có cơ hội tiếp cận chương trình này. Trên cơ sở đánh giá, huyện sẽ lựa chọn những sản phẩm bảo đảm đủ các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ gửi lên Hội đồng cấp tỉnh thẩm định. Những sản phẩm còn lại sẽ là nguồn cho những năm tiếp theo”.
Chuẩn bị cho đợt đánh giá tới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, bố trí hơn 5,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để triển khai thực hiện.
Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, cán bộ phụ trách của Sở thường xuyên về phối hợp với các địa phương, đến từng chủ thể hướng dẫn lập hồ sơ, bổ sung, củng cố các tiêu chí thiếu, chưa đạt. Các địa phương cũng mở lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình ở cấp xã cũng như các chủ thể sản xuất tham gia.
Cùng đó sẽ hỗ trợ, nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm; rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương để phát triển sản phẩm mới. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Mặc dù số lượng sản phẩm đăng ký lớn, chúng tôi cũng đề ra mục tiêu cao hơn so với kế hoạch của tỉnh song không vì thế mà đánh giá, lựa chọn ồ ạt các sản phẩm để phân hạng. Cùng với tuân thủ nghiêm quy trình, quá trình đánh giá, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến việc tiêu thụ của các sản phẩm bởi sự lựa chọn của người tiêu dùng chính là thước đo quan trọng nhất về giá trị sản phẩm”.
Đến nay, toàn tỉnh có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; trong đó 24 sản phẩm 4 sao, còn lại đạt 3 sao. Năm nay, các huyện, TP đăng ký 92 sản phẩm, tỉnh đặt ra mục tiêu có thêm từ 20 sản phẩm mới được công nhận trở lên. |
Theo Sỹ Quyết/ BBG
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/359997/chuong-trinh-ocop-nam-2021-nhieu-san-pham-moi-de-cao-danh-gia-cua-nguoi-dung.html