Theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào Việt Nam, các thương hiệu xe của Vương quốc Anh, trong đó tiêu biểu là Rolls-Royce, Bentley và Land Rover sẽ được bỏ thuế nhập trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh, Bắc Ireland giai đoạn 2021-2022.
Theo đó, mặt hàng xe hơi thuộc một trong những danh mục hàng hóa có lộ trình giảm thuế nhập vào Việt Nam trong khoảng 9-10 năm tới. Tùy thuộc vào dung tích xy-lanh xe nhập khẩu, các mẫu xe có thể được bỏ thuế vào năm 2029 và 2030, tương tự các hãng xe xuất xứ từ Đức, Pháp, Ý và các nước nằm trong Liên minh châu Âu.
Từ nay đến năm 2029-2030, các dòng xe nhập từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cắt giảm thuế theo lộ trình tương đương 6,7-7,1%/năm.
Rolls-Royce là mẫu xe có giá đắt đỏ nhất ở Việt Nam, mẫu xe này sắp tới được giảm thuế nhập bình quân 6,7%/năm, thuế nhập xe sẽ được bỏ sau 2030. (Ảnh minh họa)
Từ năm 2021, xe hơi dưới 9 chỗ ngồi trở xuống nhập từ Anh và Bắc Ireland vào Việt Nam sẽ chịu thuế 63,8% đối với xe có dung tích từ 1.500cc đến 2.500 cc; đối với xe có dung tích xy-lanh trên 2.500cc, thuế suất sẽ được áp dụng là 60,5%.
Anh là một trong 10 nước có thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới với các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Rolls-Royce, Aston Martin, Bentley, Jaguar, MG, Land Rover, Lotus, Mini...
Tuy nhiên, cùng với thời gian và lịch sử cạnh tranh, sàng lọc của các thương hiệu xe hơi, nhiều mẫu xe Anh đã được bán cho các tập đoàn lớn ngoài sở hữu của người Anh như Volkswagen (Bentley), Ford (Aston Martin), Tata Motor (Jaguar, Land Rover).
Mẫu Bentley cũng được giảm thuế nhập ở Việt Nam hơn 7,1%
Hiện nay, không phải tất cả các mẫu xe mang thương hiệu Anh đều sản xuất 100% tại Xứ sở sương mù mà khá nhiều phân khúc xe đã được chuyển sản xuất sang nước thứ 3 tại Canada, Mexico, Ấn Độ...
Tuy nhiên, các mẫu xe như Rolls-Royce, Bentley, Jaguar hay Land Rover vẫn được sản xuất phần lớn các mẫu, dòng xe ngay tại nước Anh.
Land Rover là mẫu xe được nam giới ở Việt Nam rất yêu thích (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình và cắt bỏ 100% vào năm 2029-2030, các hãng xe sản xuất tại Anh như BMW, Toyota có kế hoạch xuất khẩu vào Việt Nam cũng được hưởng lợi thế về thuế và giá.
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô thế giới (OICA), từ năm 2018-2020, cả Anh và ba nước Đức, Pháp, Ý đều có sản lượng và doanh số xe sụt giảm mạnh.
Năm 2018, Anh sản xuất được hơn 1,6 triệu xe, năm 2019 giảm còn hơn 1,3 triệu xe, năm 2020 chỉ còn hơn 920.000 chiếc.
Aston Martin của Anh sẽ được giảm thuế ở Việt Nam (Ảnh minh họa)
Pháp cũng nằm trong tình cảnh tương tự, năm 2018 và 2019 sản xuất được 2,2 triệu chiếc, nhưng đến năm 2020 giảm chỉ còn 1,3 triệu chiếc.
Ý cũng không nằm ngoài tác động này. Năm 2018, đất nước của những Lamborghini và Maserati sản xuất được 1 triệu chiếc, nhưng 2019 chỉ còn sản xuất được hơn 915.000 xe, năm 2020 chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19 nên sản lượng tụt xuống hơn 777.000 chiếc.
Đức - nhà sản xuất xe lớn hàng đầu thế giới với nhiều tên tuổi nổi tiếng cũng không nằm ngoài thoái trào về sản lượng. Theo ghi nhận của OICA, năm 2018 nước này sản xuất được 5,1 triệu xe, năm 2019 giảm xuống 4,6 triệu chiếc và năm 2020 chỉ còn 3,7 triệu chiếc.
Hiện, các mẫu xe Anh về Việt Nam có giá bán đại lý thấp nhất cũng không dưới 2,5 tỷ đồng, trung bình từ 3-5 tỷ đồng. Mẫu xe có giá cao nhất là xe siêu sang Rolls-Royce có mẫu lên đến hơn 40 tỷ đồng (2 triệu USD).
Jaguar có lẽ là mẫu xe giá rẻ nhất trong số các mẫu xe Anh tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Các mẫu xe Anh, Bắc Ireland ngoài bị đánh thuế nhập cao thì luôn chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt lớn bởi đều có dung tích xy-lanh cao từ 2.000cc trở lên. Về điểm này, các dòng xe châu Âu xuất xứ từ Đức, Pháp, Ý hay Anh đều chung đặc điểm và đều chịu mức thuế giống nhau, giá các mẫu xe nhập theo những quốc gia này luôn ở mức cao.
Theo An Linh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xe-sang-rolls-royce-bentley-land-rover-se-duoc-bo-thue-nhap-vao-viet-nam-20210525181018380.htm