Lão nông ở An Giang đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ cách trồng măng tây rất đặc biệt: trồng cây ở chân núi, bón cây bằng men vi sinh tự chế, bắt sâu bằng tay.
Mảnh đất gần 4.000m2 ở chân núi cạnh nhà được ông Đỗ Xuân Nghiệp (65 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, Tịnh Biên, An Giang) dùng để trồng măng tây. Hướng đi này không những giúp gia đình ông sống khỏe mà còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.
Năm 2018, sau một lần tham quan mô hình trồng măng tây ở Ninh Thuận, nhận thấy thổ nhưỡng phù sa pha cát ở chân núi Bà Đội phù hợp cho loại cây trồng này, ông đã quyết định trồng măng tây từ đó.
Ông Nghiệp bên vườn măng tây của mình (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Năm đó, tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua cây giống và hệ thống tưới nhỏ. Trồng một giống cây mới, chi phí lại cao nên cũng có cảm giác mạo hiểm lắm, như chơi một canh bạc lớn", ông Nghiệp cho biết.
Măng tây được gọi là rau "vương giả" không chỉ vì giá trị cao, giá thành cao mà còn vì sự "khó chiều" khi trồng trọt. Măng tây ưa nắng, cần nhiều nước nhưng lại không chịu được úng.
Cây măng tây bắt đầu cho thu hoạch từ tháng thứ 6, thời gian thu hoạch có thể kéo dài 10 năm (Ảnh: Bảo Kỳ).
Chọn trồng cây ở chân núi, ông Nghiệp không sợ thiếu nắng cũng chẳng sợ bị úng. Còn việc tưới thì ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển bằng điện thoại thông minh. "Một khi măng tây đã bén rễ thì trồng ở đất cát chân núi sẽ phát triển tốt hơn ở mặt ruộng đất thịt", ông Nghiệp cho biết.
Măng tây giống được ươm trong bầu 3 tháng trước khi đưa ra vườn trồng. Trồng từ tháng thứ 6 thì bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian cho thu hoạch của măng tây có thể kéo dài đến 10 năm.
Trên mảnh vườn của mình, trung bình mỗi năm ông Nghiệp thu được hơn 10 tấn măng thương phẩm. Với giá thị trường dao động 55.000-100.000 đồng/kg tùy giai đoạn, trừ hết chi phí ông có lãi hơn 100 triệu đồng.
Lao động trồng măng thuê cũng nhận được đều đặn 4 đến 5 triệu đồng tiền công mỗi tháng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, ông Nghiệp đã không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Thay vào đó, lão nông tự ủ men vi sinh để bón cho cây.
Vườn măng tây cũng được các nhân công của ông Nghiệp nhổ cỏ, bắt sâu bằng tay hàng ngày.
Nhận xét về mô hình trồng trọt mới, ông Lê Thành Khang, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết, việc ông Nghiệp trồng cây măng tây sinh trưởng được trên thổ nhưỡng địa phương là tín hiệu rất tốt. Ông Khang hy vọng măng tây sẽ trở thành hướng đi mới cho nông dân của xã vươn lên làm giàu.
Theo Bảo Kỳ/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dua-mang-tay-ve-nui-trong-lao-nong-bo-tui-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-20210511213107346.htm