Năm nay, vải thiều thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trước thực tế này, Bắc Giang tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong vụ vải thiều năm 2020; đổi mới, tăng cường kết nối trực tuyến xúc tiến tiêu thụ với nhiều quốc gia, lãnh thổ, thêm cơ hội cho vải thiều lưu thông.
Xuất hành vải sớm, thêm điểm cầu trực tuyến
Vải thiều không chỉ là sản phẩm đặc trưng của tỉnh, Bắc Giang còn đang xây dựng quả vải đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia. Đây là một trong những mặt hàng nông sản quan trọng, đóng góp cao đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Vườn vải của gia đình anh Ngô Văn Cường, xã Phúc Hòa (Tân Yên) được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Với tầm quan trọng ấy, rút kinh nghiệm vụ vải năm ngoái, năm nay, Bắc Giang tiếp tục sáng tạo, đổi mới trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Nhận định dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên các biện pháp được tính toán kỹ và chủ động sớm hơn.
Với hơn 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng toàn tỉnh dự kiến năm nay khoảng 180 nghìn tấn, trong đó hơn 45 nghìn tấn vải sớm. Do đặc thù cơ cấu trà thu hoạch, vải sớm chín vào khoảng 20/5, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ. Nắm bắt tình hình thực tế, trong triển khai xúc tiến tiêu thụ cũng có sự đổi mới.
Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng, vải thiều năm 2021. Dự kiến vào ngày 26/5, chuỗi xúc tiến tiêu thụ vải thiều sẽ diễn ra tại huyện Tân Yên, đồng thời cắt băng xuất hành chuyến vải sớm đầu tiên của tỉnh tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.
Việc kết nối chuyên gia Nhật Bản để giám sát hoặc ủy quyền giám sát, nghiệm thu sản phẩm trước khi xuất khẩu sang quốc gia này đã được quan tâm từ sớm thông qua phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Sở đã phối hợp với các huyện chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,4 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn, thời gian dự kiến thu hoạch vải thiều xuất khẩu từ ngày 20/5 đến 10/7/2021. Đến nay, các điều kiện về vùng sản xuất vải thiều và xông hơi, khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 được tổ chức tại TP Bắc Giang và truyền hình trực tuyến tới các điểm cầu bao gồm UBND các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn và 20 điểm cầu tại Trung tâm VNPT của các tỉnh, TP khác trong cả nước. Năm nay, ngoài 4 điểm cầu trực tuyến đặt tại tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), UBND tỉnh mở thêm nhiều điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản, Úc và Singapore... |
Để công tác xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường Nhật Bản năm 2021 được thuận lợi và bảo đảm yêu cầu về thời vụ thu hoạch, Sở đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tạo điều kiện bố trí chuyên gia lên giám sát vùng trồng vải xuất khẩu, việc xông hơi, khử trùng và công tác kiểm dịch thực vật tại tỉnh Bắc Giang trong thời gian thu hoạch vải phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Năm nay phía Nhật Bản áp dụng phương pháp ủy quyền việc giám sát cho Việt Nam trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát ở nhiều quốc gia.
Cùng đó, ngày 8/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, khu Quảng trường 3/2 (TP Bắc Giang), UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước; truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh–Truyền hình tỉnh, từ đó sẽ được tiếp sóng ở một số đài truyền hình địa phương, các fanpage, mạng xã hội.
Ngoài ra, hội nghị còn truyền hình trực tuyến tới các điểm cầu trong nước bao gồm UBND các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn và 20 điểm cầu tại Trung tâm VNPT của các tỉnh, TP khác trong cả nước. Đặc biệt, năm nay, ngoài 4 điểm cầu trực tuyến đặt tại tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), UBND tỉnh mở thêm nhiều điểm cầu trực tuyến tại: Nhật Bản, Úc và Singapore...
Tại huyện Lục Ngạn diễn ra Chương trình “Du lịch trải nghiệm mùa vải thiều và kết nối cung cầu năm 2021”. Nhiều sự kiện khác cũng được tiến hành trong năm nay như: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; Tuần lễ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội…
Chủ động, linh hoạt các giải pháp
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã tham mưu kế hoạch và đang khẩn trương thực hiện các phần việc. Mới đây, Sở tổ chức làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm: Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ bàn về thúc đẩy các giải pháp chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay.
Qua làm việc, các cơ quan đã cam kết sẽ hỗ trợ tối đa tỉnh trong công tác kết nối với các thị trường, tạo thuận lợi nhất đối với hoạt động xúc tiến thương mại. Sở cũng kết nối với cơ quan chuyên môn của Bộ Công an, Chính phủ rà soát cho phép thương nhân Trung Quốc giám sát tiêu thụ vải thiều sớm hơn. Bước đầu có khoảng 200 thương nhân đăng ký đến Lục Ngạn, thực hiện các biện pháp trong quản lý và cách ly phòng dịch Covid-19.
Thời điểm này, vải thiều sớm chuẩn bị được thu hoạch. Vải chính vụ đang giai đoạn quả non. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sản phẩm được người dân chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu. Các cán bộ của ngành nông nghiệp được phân công phụ trách từng mã vùng bám sát cơ sở, kịp thời gỡ vướng trong quá trình sản xuất của người dân gặp phải.
Anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên)- trưởng quản lý mã vùng sản xuất của thôn cho biết: “Thôn có gần 10 ha vải sớm được cấp mã vùng sản xuất xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Do được hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi tuân thủ quy trình chăm sóc nên vải đậu quả cao, không bị sâu đục cuống và đều quả. Riêng gia đình tôi ước được gần 20 tấn quả”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Lục Ngạn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đang chuẩn bị các ấn phẩm, tài liệu quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch và tiềm năng phát triển văn hóa và du lịch của tỉnh; cử cán bộ tham gia hướng dẫn, giới thiệu phục vụ các đoàn đại biểu tham quan tại các địa điểm du lịch văn hóa, danh lam, thắng cảnh của tỉnh; lựa chọn nhà vườn, điểm tham quan theo nhu cầu của du khách.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thuận lợi đối với vụ vải thiều này là Nhật Bản đã cấp chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn; nhiều diện tích được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Với sản phẩm chất lượng cùng các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của tỉnh, tin rằng vải thiều Bắc Giang tiếp tục rộng cửa tiêu thụ tại thị trường nội địa và trên thế giới”.
Theo Trịnh Lan/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/358878/tieu-thu-vai-thieu-nam-2021-tang-ket-noi-truc-tuyen-mo-rong-thi-truong.html