Tiếp nối đà tăng từ cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng lên sát ngưỡng 1.840 USD/ounce trước khi giảm nhẹ về mức 1.834 USD/ounce chiều nay 10-5, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng là tương đương 51,22 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 5,12 triệu đồng/lượng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Công ty SJC hôm nay tăng giá bán vàng miếng SJC thêm 160.000 đồng/lượng, lên mức 56,34 triệu đồng/lượng với loại 1 lượng. Với miếng vàng SJC lẻ loại 1, 2 chỉ, giá bán ra lên đến 56,37 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn 9999 SJC tăng 230.000 đồng/lượng, lên mức 52,95 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ từ cuối tuần đến nay giá vàng nhẫn đã tăng tổng cộng 460.000 đồng/lượng.
Tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC tăng đến 370.000 đồng/lượng, lên mức 56,32 triệu đồng/lượng. Còn tại các cửa hàng vàng lớn, giá bán vàng miếng SJC ở mức 56,15 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 5,12 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng đi lên dù đồng USD đã bật tăng trở lại, nguyên nhân là do số đơn xin tiếp tục trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần qua vẫn tăng, từ đó củng cố niềm tin của giới đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, mối lo lạm phát trở lại đã khiến các nhà đầu tư quay trở lại thị trường vàng. Từ đầu tháng 5, quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã quay trở lại mua ròng và trong phiên cuối tuần qua đã mua tới 5,82 tấn vàng.
Nhưng trong khi thị trường vàng đang hưởng lợi nhờ nỗi lo lạm phát thì thị trường chứng khoán lại lo lãi suất tăng.
Trong báo cáo "Cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 4" vừa được Công ty chứng khoán SSI công bố, áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn nhất tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Báo cáo của SSI dẫn kết quả khảo sát tháng 4 của Bank of America Merrill Lynch, theo đó có tới 93% các nhà quản lý quỹ cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2022, mức cao nhất kể từ 2004 đến nay.
Lạm phát có thể sẽ buộc các ngân hàng trung ương kết thúc sớm chương trình nới lỏng của mình. Một số quốc gia như Nga, Ukraine đã phải tăng lãi suất điều hành trong tháng vừa qua và lần tăng thứ 2 kể từ đầu năm đến nay.
Trong phiên họp tháng 4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ và tốc độ mua vào trái phiếu 120 tỉ USD/tháng, tuy nhiên các phát biểu mới đây của bộ trưởng tài chính Mỹ về sự cần thiết tăng lãi suất có thể tác động mạnh mẽ tới dòng tiền tháng 5.
Tuy nhiên, theo SSI, Việt Nam vẫn là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực châu Á nhờ dòng vốn ETF. Dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỉ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7.800 tỉ đồng, bên cạnh đó nhiều quỹ ETF khác cũng duy trì dòng tiền tích cực vào thị trường.
Theo A.Hồng/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/noi-lo-lam-phat-kich-hoat-gia-vang-len-sat-51-22-trieu-dong-luong-20210510141808711.htm