Việt Nam đã sẵn sàng để đón Mobile Money. Khi dịch vụ này được triển khai, việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua tài khoản viễn thông sẽ tạo cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Thanh toán không tiền mặt: Ví điện tử vẫn là chưa đủ
Chuyển đổi số đang diễn ra trên nhiều mặt của cuộc sống thường ngày và cả việc thanh toán cũng không ngoại lệ. Điều này diễn ra trong bối cảnh tổng doanh thu thương mại điện tử trên toàn thế giới đang ở mức 3,5 nghìn tỷ USD. Thực tế này khiến nhiều quốc gia đang hướng tới mục tiêu trở thành một xã hội không tiền mặt.
Với một nền kinh tế thuộc top năng động nhất Châu Á như Việt Nam, chúng ta cũng đang chứng kiến sự phát triển rất nhanh chóng của nền kinh tế không tiền mặt.
Tính đến ngày 30/9/2020, đã có tổng cộng 34 tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử và 9 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển tiền điện tử tại Việt Nam. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đã có tổng cộng 16,92 triệu ví điện tử được kích hoạt. Chỉ riêng trong Quý III/2020, hơn 255.000 giao dịch đã được thực hiện qua các ví điện tử tại Việt Nam. Tổng giá trị của các giao dịch này lên tới hơn 100.000 tỷ đồng
So với các ví điện tử khác, hiện ViettelPay của Viettel sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh với hơn 100 tiện ích như: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, mua vé tàu xe, đặt khách sạn, mua sắm online, nộp học phí... ViettelPay đang có hơn 9 triệu người dùng, trung bình có 40 triệu lượt giao dịch với hơn 50 nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Theo khảo sát mới nhất được công bố bởi BuzzMetric, ViettelPay cũng là ứng dụng chuyển tiền liên ngân hàng được yêu thích nhất khi được 72% khách hàng lựa chọn. Với hơn 200.000 điểm giao dịch trên cả nước, người dùng liên kết thẻ từ hơn 30 ngân hàng nội địa hay nạp tiền trực tiếp vào tài khoản ViettelPay, đều có thể rút tiền tại bất kỳ điểm giao dịch nào trên toàn quốc. Ngoài giao dịch tại các điểm, ViettelPay còn có dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tận nhà trong 24h để phục vụ các khách hàng chuyển tiền cho bất kỳ ai, ở bất cứ địa điểm nào trong khắp Việt Nam.
Tuy ví điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh nhưng đây được cho là cuộc đua "cắt máu" khi nhiều tên tuổi lớn vẫn đang lỗ và rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Các ví điện tử vẫn luôn phải có nguồn tài chính để hút khách hàng bằng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thanh toán hóa đơn dịch vụ như điện, nước, điện thoại trả sau, mua hàng online… Thậm chí các chuyên gia cho rằng có thể trong vài ba năm tới, sẽ chỉ còn khoảng 5 ví điện tử tồn tại được trên thị trường trong tổng số gần 30 ví điện tử đang được cấp phép hoạt động hiện nay.
Mobile Money: Cơn mưa rào tắm mát cho nền kinh tế số
Theo tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), đến hết năm 2019, chỉ có gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng. 80% hoạt động chi tiêu hàng ngày của người dân Việt Nam vẫn được thực hiện bởi tiền mặt.
Thống kê cũng cho thấy, 98% người dân Việt Nam sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Đây chính là những rào cản nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Thực tế chỉ ra rằng, Mobile Money là giải pháp dễ dàng nhất để phổ cập thanh toán số tại Việt Nam. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa có giá trị vừa và nhỏ.
Mobile Money về bản chất là một dạng ví điện tử. Tuy vậy, người dùng Mobile Money không cần phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Mobile Money chỉ yêu cầu người dùng phải có thông tin định danh, xác thực. Điều này cũng có nghĩa, ngay cả những người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng có thể thanh toán sản phẩm, hàng hóa bằng tài khoản di động.
Với một đất nước nhiều hải đảo, phần lớn địa hình là đồi núi như Việt Nam, thách thức về độ phủ thanh toán không tiền mặt sẽ được giải quyết bởi Mobile Money, khi mà 99,7% dân số Việt Nam có thể tiếp xúc với sóng di động. Mobile Money vì thế sẽ trở thành kênh thanh toán thuận lợi hơn cả cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như những người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mà dịch vụ ngân hàng rất khó để vươn tới.
Có thể lấy ví dụ với nhà mạng Viettel, họ hiện có 70 triệu khách hàng viễn thông, tương đương 70% dân số Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng những tính năng, tiện ích của Mobile Money. Theo ông Trương Quang Việt, phó Tổng Giám đốc công ty Dịch vụ số Viettel: "Viettel đã chuẩn bị mọi nguồn lực như: hạ tầng công nghệ, mạng lưới kênh, nguồn nhân lực… để sẵn sàng triển khai Mobile money ngay khi được cấp phép. Về mạng lưới, hơn 200.000 điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa."
Còn về phía VNPT, đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, doanh nghiệp này đã hoàn toàn sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng, mạng lưới kinh doanh để triển khai dịch vụ. Cụ thể, hơn 1.000 điểm giao dịch khắp cả nước thuộc sở hữu của VNPT và hơn 10 nghìn điểm giao dịch của doanh nghiệp đối tác, gần 200 nghìn điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân, hộ gia đình,… hiện đều sẵn sàng chuyển đổi thành các điểm giao dịch Mobile Money, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cho dù là ở các khu vực như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Điều này có nghĩa khi Mobile Money được triển khai, người nông dân có thể bán các mặt hàng nông sản của mình với giá cao hơn trên các sàn thương mại điện tử, gửi hàng bằng hệ thống chuyển phát và nhận tiền thông qua tài khoản Mobile Money.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trở thành động lực giúp nền kinh tế số phát triển rất nhanh. Trong bối cảnh đó, để không ai bị bỏ lại phía sau, rất cần đến những công cụ như Mobile Money để phổ cập việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/mobile-money-se-la-con-mua-rao-cho-nen-kinh-te-so-20210507094024296.htm