Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng cũng có nhà băng điều chỉnh giảm, lãi suất chưa định hình rõ xu hướng nhưng doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng sẽ giảm để có vốn rẻ cho sản xuất.
Hầu hết các ngân hàng ổn định lãi suất huy động tiền đồng ở mức thấp
Huy động tăng nhẹ
Trên thị trường liên ngân hàng (NH), lãi suất (LS) tiền đồng cuối tháng 4 tăng khá mạnh, gấp 2 - 3 lần so với đầu tháng. Cụ thể, LS bình quân liên NH ngày 29.4 kỳ hạn qua đêm lên 0,9%/năm, 1 tuần lên 1,12%/năm, 2 tuần lên 1,2%/năm, 1 tháng lên 1,2%/năm, 3 tháng lên 1,51%/năm. Một số NH điều chỉnh tăng giảm nhẹ LS huy động tiền đồng đối với dân cư.
Tôi cũng kỳ vọng vào kịch bản lạc quan hơn là dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn khi việc tiêm ngừa vắc xin Covid-19 tại VN nhiều hơn. Như vậy, lạm phát sẽ bắt đầu tăng cao từ quý 2 trở đi khi nhu cầu và giá cả nhiều hàng hóa đều gia tăng. Điều đó cũng khiến mặt bằng LS cả tiền gửi lẫn cho vay đều tăng hơn so với hiện nay.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Hôm qua 5.5, bà Lê (ngụ Q.1, TP.HCM) đến NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để gửi một khoản tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn 2 tháng, LS bà được thông báo là 4%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 3,7%. Nhân viên NH cho biết so với đầu tháng 4, LS tiền gửi đã tăng nhẹ 0,1%/năm ở tất cả kỳ hạn. Còn nếu so với LS tiền gửi vào đầu tháng 2.2021 thì LS tiền gửi đã cộng thêm khoảng 0,3 - 0,4%/năm cho từng kỳ hạn. PGBank tăng nhẹ 0,2%/năm LS ở kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 3,7%/năm. Vietcapital Bank tăng nhẹ 0,1%/năm LS huy động kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm. Ngược lại, một số NH giảm nhẹ LS huy động như MB điều chỉnh xuống 0,1 - 0,3%/năm ở kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, 3 tháng còn 3,4%/năm, 6 tháng còn 4,54%/năm, 9 tháng còn 4,7%/năm, 12 tháng còn 5,12%/năm.
Theo quy định, LS huy động trần ở các kỳ hạn dưới 6 tháng là 4%/năm nhưng hầu hết các NH đều có mức thấp hơn. Đối với kỳ hạn 1 tháng, NH có mức LS ở 4%/năm là GPBank, Nam A Bank và SCB ở mức 3,95%/năm, Vietcapital bank và NCB có mức 3,8%/năm, mức thấp nhất 2,85%/năm thuộc về Hong Leong, các NH thương mại có vốn nhà nước ở mức 2,9 - 3%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, LS có sự phân hóa rõ rệt giữa các NH. Mức LS cao nhất đối với kỳ hạn này thuộc về NH CBBank ở 6,25%/năm, NCB là 6,05%/năm, Nam A Bank có mức 6%/năm. Các NH còn lại có LS dao động từ 4 - 5,7%/năm, thấp nhất thuộc về Vietcombank chỉ 3,8%/năm.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, các nhà băng đưa ra LS khá cạnh tranh trong huy động vốn, mức cao nhất 6,8%/năm thuộc về SCB, kế đến 6,7%/năm là PublicBank, mức lãi 6,5%/năm thuộc về KienLongBank, SHB ở mức 6,4%/năm... Để có LS cao hơn, khách hàng sử dụng dịch vụ tiết kiệm online được cộng thêm từ 0,05 - 0,2%/năm. Chẳng hạn, tại SCB huy động tiết kiệm online kỳ hạn 1 và 3 tháng là 4%/năm, 6 tháng 6,45%/năm, 12 tháng 6,8%/năm... MB cộng thêm 0,2%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm số.
Mới vay thì thấp, vay rồi lại cao
Với nguồn vốn huy động được, các NH cũng tìm cách đẩy các gói tín dụng với LS thấp để thu hút khách vay trong thời gian đầu. Như đối với doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, MSB cho vay 6%/năm đối với tiền đồng và 3%/năm đối với USD. Vietcombank triển khai cho cá nhân, DN nhỏ và vừa (SME) vay mua bất động sản, xe ô tô phục vụ kinh doanh, tiêu dùng với LS 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên với khoản vay từ 12 tháng trở xuống, 6,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 12 đến 24 tháng, 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng. Trước đó, Vietcombank đã dành 30.000 tỉ đồng cho gói vay “Kinh doanh tài lộc” để cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với LS 5,7%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng, 6,3%/năm đối với khoản vay từ 6 đến 9 tháng, 6,9% với khoản vay từ 10 đến 12 tháng. Đặc biệt, các khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank sẽ được vay vốn với mức LS giảm 0,1%/năm so với LS vay thông thường.
Các NH hiện nay đều đẩy mạnh LS cho vay thấp trong thời gian đầu để mời gọi khách hàng vay nhưng thường sau thời gian ưu đãi, LS cho vay ở mức khá cao. Bà Ngọc Hoa (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay trước lễ 30.4, bà đã hỏi thăm một số NH về LS cho vay để mua nhà thì hầu hết được cho biết dao động trong khoảng 9 - 12,6%/năm. Trong đó, LS ưu đãi 9%/năm chỉ áp dụng cho năm đầu tiên và từ năm thứ 2 trở đi sẽ áp dụng 12,5 - 12,6%/năm. Giám đốc một DN sản xuất giấy tại TP.HCM chia sẻ hiện LS công ty đang vay trong đầu năm 2020 vẫn khoảng 11%/năm thì sau đó được giảm dần và đến đầu năm nay về mức 9,5%/năm. Dù LS giảm nhưng theo vị giám đốc này, hiện các DN vừa và rất nhỏ khó tiếp cận vốn vay NH hơn trước đây. Nhiều NH “soi” rất kỹ và đưa thêm những yêu cầu khắt khe mà nhiều DN khó có thể đáp ứng được nên không được vay vốn.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị DN vừa và nhỏ, nhận định việc một số NH bắt đầu tăng nhẹ LS huy động tiền gửi cho thấy nhu cầu tín dụng đang gia tăng. Bên cạnh đó, LS trên thị trường liên NH cũng đang nhích lên. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quý 1/2021, toàn ngành NH có tăng trưởng tín dụng 2,93% so với cuối năm 2020. Thế nhưng huy động vốn của ngành NH chỉ tăng 0,54% (theo Tổng cục Thống kê). Do đó để đáp ứng nhu cầu vốn đang gia tăng thì một số NH sẽ tăng LS tiền gửi để thu hút khách hàng. Theo TS Hiếu, làn sóng tăng LS tiền gửi tiết kiệm có thể sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hơn trong quý 2/2021 với ước tính tăng thêm khoảng 0,5%. Sau đó mặt bằng LS cho vay cũng sẽ được điều chỉnh theo.
Nhưng để dự báo mặt bằng LS cho cả năm 2021 thì chuyên gia này cho rằng phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Bởi hiện nay dịch bệnh vẫn tái phát ở nhiều địa phương và nhiều nước trên thế giới. Đây là một ẩn số khó lường. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì kinh tế VN khó hồi phục nhanh. Khi đó nhu cầu vốn sẽ xuống thấp và LS cũng phải giảm theo như đã diễn ra trong năm 2020. Còn nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, kinh tế VN có khả năng tăng trưởng trong khoảng 6 - 7% thì nhu cầu về nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, đầu tư đều gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Khi đó LS sẽ phải cao hơn. Đồng thời khi kinh tế hồi phục, khả năng lạm phát của VN năm nay cũng có thể tăng cao hơn mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra. Để kiểm soát lạm phát thì thông thường NHNN cũng sử dụng công cụ tăng LS để hạn chế dòng vốn đưa vào lưu thông trên thị trường.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/lai-suat-giang-co-1378994.html