Ít có tháng nào thị trường chứng khoán được đặt câu hỏi nhiều như tháng 5 là tăng hay giảm điểm. Bởi lẽ câu “sell in May, go away” có lẽ vẫn còn ám ảnh nhà đầu tư mỗi khi tháng 5 đến hẹn lại lên.
Thị trường chứng khoán tháng 5 là khoảng thời gian "trũng" thông tin hỗ trợ. Ảnh minh họa: Thế Lâm
Thống kê cũng chỉ là thống kê
Sự ám ảnh với câu nói trên trong giới nhà đầu tư chứng khoán cũng đa phần là lan truyền, chứ không hẳn trong vài triệu nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đều đã trải nghiệm các tháng 5 tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được hình thành.
Trên thực tế, diễn biến thị trường trong tháng 5 qua các năm không khốc liệt, khủng khiếp về việc giảm điểm hay dòng tiền rút khỏi thị trường như sự lan truyền câu “sell in May, go away” tạo ra.
Cụ thể, số liệu thống kế trong 15 năm trở lại đây (2006-2020), chỉ số VN-Index có 7 năm tăng điểm trong tháng 5 và 8 năm giảm điểm trong tháng này (7-8). Còn thống kê đối với HNX-Index, trong 14 năm trở lại đây (2007-2020), có 7 năm chỉ số tăng trong tháng 5 và 7 năm chỉ số giảm điểm (7-7).
Một thống kê khác về tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 sau dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Theo đó, thống kê trong 15 năm trên, VN-Index cũng có 7 lần tăng điểm và 8 lần giảm điểm (7-8). Với HNX-Index, thống kê trong vòng 14 năm đề cập ở trên, chỉ số có 6 lần tăng điểm và 8 lần giảm điểm (6-8).
Tất nhiên số liệu thống kê có tính chất dữ liệu lịch sử chỉ giúp cho công tác dự báo chứ không thể khẳng định được tháng 5.2021 này các chỉ số VN-Index và HNX-Index sẽ chắc chắn tăng hay giảm.
Những yếu tố có khả năng tác động
Tháng 5.2021, thị trường chứng khoán được cho là có khả năng bị ảnh hưởng từ các thông tin về đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng, từ đó có thể tác động đến tâm lý giao dịch trên thị trường của nhà đầu tư.
Song song đó, thị trường bước vào tháng 5 cũng được cho là khoảng thời gian “trũng” về thông tin hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí I/2021 gần như đã đi qua.
Trong khi đó, diễn biến của VN-Index tính từ phiên giao dịch ngày 29.3 là thời điểm bứt phá bằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đưa chỉ số vượt qua ngưỡng cản 1.200 điểm và đỉnh lịch sử trước đó 1.204 điểm đến phiên VN-Index đạt đỉnh mới 1.268,28 điểm vào ngày 20.4, đã diễn ra một nhịp tăng nóng hơn 1.06 điểm tương ứng mức tăng 9,1%.
Trong nhịp tăng này, nhóm cổ phiếu VN30 đóng vai trò dẫn dắt và kéo chỉ số VN-Index đi lên mạnh mẽ sau đó đà tăng lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Thế nhưng, trong khoảng 3 tuần giao dịch trở lại đây, mỗi phiên VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ vào lực kéo của vài cổ phiếu trụ trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, HPG, NVL, PDR, VPB, STB, FPT. Trong khi đó, nhìn chung các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa trên thị trường chủ yếu giảm điểm, giá trị tài khoản của không ít nhà đầu tư với các mã cổ phiếu thuộc 2 nhóm này trong danh mục cũng bị giảm không ít.
Việc một số mã cổ phiếu bật tăng quá nóng trước sau cũng gặp làn sóng chốt lời dẫn đến các mã này giảm giá kéo điểm số của thị trường chung đi xuống. Khả năng này, được cho là có thể tiếp diễn trong tháng 5.
Tuy nhiên, có một nhận định được đồng thuận cao là, nếu trong tháng 5 thị trường phân hóa mạnh và xảy ra rung lắc, điều chỉnh thì cũng chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Và ngưỡng 1.200 điểm được cho là có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ. Những nhịp rung lắc, điều chỉnh vì “rũ hàng” có thể giúp thiết lập mặt bằng giá mới của hầu hết cổ phiếu trên thị trường để chuẩn bị cho nhịp tăng mới.
Theo Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/chung-khoan-thi-truong-se-tang-diem-hay-giam-diem-trong-thang-5-905062.ldo