Đầu hè, nhộng ve sầu hay còn gọi là ve sầu non được rao bán rầm rộ trên chợ mạng với giá 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Hàng năm, cứ vào hè, trên chợ mạng, nhiều tiểu thương lại nhộn nhịp rao bán ve sầu non với giá dao động 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Huyền, người chuyên bán ve sầu ở Hà Nội chia sẻ, để có đủ nguồn cung, chị phải thu gom hàng ở nhiều tỉnh thành như Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ. Sau khi được bắt về, ve được thương lái làm sạch và vận chuyển xuống Hà Nội theo đường xe khách.
"Nhộng ve sầu chỉ có một mùa trong năm, từ tháng 5 cho đến tháng 7. Nhộng thì có nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là những con vừa mới lột xác, thân béo mầm. Thế nên, khi đi bắt ve, người ta chỉ chọn những con ở giai đoạn nhộng, còn non và chưa mọc cánh" - chị nói.
Theo chị Huyền, ve sầu non vốn là món ăn dân dã, quen thuộc ở nhiều làng quê, nhưng vài năm gần đây, chúng lại trở thành đặc sản nơi phố thị. Trong đó, nguồn tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu, quán chuyên đặc sản đồ rừng.
Lý giải về nguyên nhân giá ve đắt đỏ, chị Huyền cho biết: "Ve sầu thường lột xác trong đêm nên người thợ phải đi bắt từ tối hôm trước. Đôi khi, đi cả buổi, 3 - 4 người mới bắt được 1 - 2 kg ve. Bởi, quá trình săn ve rất phức tạp, tốn nhiều thời gian và cần nhiều tốn công sức".
Ve sầu đầu hè có giá đắt đỏ từ 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Anh Vũ Hoàng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết, thời điểm này, ở quê anh, lượng ve sầu xuất hiện nhiều ở các cánh rừng cho nên anh hay đi săn ve về bán cho thương lái.
Theo tiết lộ, giá ve được trả khá cao, từ 200.000 đến 250.000/kg nên khi lượng ve ở nơi này với đi, anh lại cùng với những người bạn lại sang các chỗ khác săn bắt.
"Thời gian để săn ve lý tưởng là từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ hôm sau. Những ngày ve nhiều, chúng tôi có thể bắt được 2 - 3kg, bán được hơn nửa triệu đồng, nhưng cũng có thời điểm ít hơn thì chỉ thu được khoảng 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày. Ve là mặt hàng không bao giờ sợ ế, vì bắt được bao nhiêu, thương lái đã đến thu mua sạch. Họ mua để vận chuyển ra sang các tỉnh lân cận, trong đó Hà Nội là nơi tiêu thụ nhiều nhất" - anh Hoàng cho hay.
Ve sầu được làm sạch và hút chân không để bảo quản.
Là chủ một quán nhậu có tiếng ở Thanh Oai (Hà Nội), anh Nguyễn Trung cho biết, anh phải đặt ve của 2 thương lái mới đủ số lượng làm hàng. Bởi trước đây người dân thường bắt ve sầu về ăn, nhưng giờ nhu cầu thị trường ngày càng cao nên nhiều người đi bắt ve để bán. Do đó, giá ve ngày càng được đẩy lên do cung không đủ cầu.
"Có rất nhiều món ngon từ ve sầu như rang với lá chanh, tẩm bột hay chiên giòn. Nhiều người thích ăn món này là bởi chúng có vị bùi béo, ngọt thơm rất đặc trưng" - anh kể.
Tuy nhiên, anh Trung cũng cảnh báo, những người dị ứng côn trùng, nhộng thì không nên ăn ve sầu vì dễ xảy ra ngộ độc. Bởi ve sầu sống trong môi trường đất nên có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh cao, trong đó có một số loại nấm gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dat-gap-doi-thit-bo-ve-sau-non-duoc-het-gia-tien-trieu-dau-he-20210502062317797.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Top3&dt_medium=3