Các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt từ 6,5% bởi khả năng chống chọi của các doanh nghiệp trong nước.
Các chuyên gia kinh tế tin tưởng tăng trưởng GDP năm 2021 đạt mức 6,5%. Ảnh: Vũ Long
4,48% là mức tăng trưởng GDP đáng lạc quan
Mặc dù trong quý I/2021, tăng trưởng GDP đạt 4,48%, thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 5,12%, nhưng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia trong nước, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong 3 tháng vừa qua trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam, thì đây là con số tăng trưởng rất đáng lạc quan.
Nhìn nhận con số này, cần thấy rằng trong quý I/2020 dịch bệnh COVID-19 chỉ bắt đầu xuất hiện vào tháng 2.2020, nhưng tăng trưởng của thời điểm này năm trước chỉ ở mức 3,68%. Trong khi đó, 3 tháng qua dịch bệnh COVID-19 vẫn âm ỉ ở Việt Nam và bùng phát trở lại vào tháng 2.2021, nhưng GDP của quý I/2021 vẫn đạt 4,48% là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể người dân Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), bên cạnh tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp trọng điểm hồi phục trở lại, tăng trưởng quý I cũng được hỗ trợ lớn từ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được kiểm soát tốt, chỉ số CPI bình quân quý I/2021 chỉ tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm đạt 10,13 tỉ USD - là con số ấn tượng trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, chứng tỏ sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư FDI.
Nỗ lực trong suốt 3 quý còn lại để đạt tăng trưởng 6,5%
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận: Mức tăng trưởng GDP trong quý I/2021 thấp hơn 0,64% so với mục tiêu Chính phủ đề ra sẽ dồn áp lực tăng trưởng lên những quý còn lại của năm 2021.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, GDP các quý còn lại phải tăng trên 6,6%, trong đó riêng quý II phải tăng đến 7,11% thì mới có thể đạt mục tiêu cả năm ở mức tối thiểu 6,5%.
"Để đạt được điều này, chúng ta phải nỗ lực không ngừng xuyên suốt cả 3 quý còn lại của năm 2021" - TS Nguyễn Đức Độ nói.
Theo bà Vũ Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2021 chỉ tăng 0,29% - mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ bởi Mỹ và các quốc gia trong khu vực tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh. Nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%.
Diễn biến này đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tạo đà để tiếp tục kiểm soát kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mức tăng trưởng nhanh hơn trong 3 quý còn lại, hoàn thành mục tiêu 6,5% đã đặt ra của cả năm 2021.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. |
Theo Vũ Long/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/suc-chong-choi-cua-doanh-nghiep-la-diem-tua-cho-tang-truong-gdp-65-895749.ldo