Hơn 3 năm vào thị trường Việt Nam, H&M kiếm bộn tiền. Trong khi đó, tại một số thị trường nước ngoài, hãng thời trang nhanh này gặp nhiều tai tiếng và khá chật vật.
Vào Việt Nam từ năm 2017 với cửa hàng đầu tiên được mở tại TP.HCM tháng 9/2017, H&M gần như đã "kiếm bộn tiền" ở thị trường này. Tại Việt Nam, quy mô của thương hiệu thời trang nhanh đến từ Thụy Điển cũng không ngừng mở rộng trong hơn 3 năm qua.
Bắt đầu với 1 cửa hàng ở TP.HCM, đến hết tháng 12/2019, số cửa hàng tại Việt Nam của H&M tăng lên là 8 và đến nay là 12. Cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội của thương hiệu này cũng chỉ xuất hiện sau TP.HCM khoảng 1 tháng. Lần nào mở mới, các cửa hàng của H&M cũng đón một lượng lớn khách sẵn sàng xếp hàng chờ để được vào mua.
"Không rõ có phải chiêu marketing hay không nhưng rõ ràng, chúng tôi phải chờ khá lâu mới vào được để mua. Lúc mua thì cũng như tranh cướp. Bạn bè tôi cũng dùng nhiều đồ của H&M vì giá vừa phải", anh Hoàng Tùng, một khách hàng từng xếp hàng khi H&M mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, chia sẻ.
H&M dễ dàng kiếm được tiền tỷ ở thị trường Việt Nam (Ảnh minh họa: ND).
Kiếm bộn tiền ở Việt Nam
Theo tìm hiểu của Dân trí, doanh thu thuần năm 2019 tại thị trường Việt Nam của H&M đạt 434 triệu Krona Thụy Điển (hơn 1.114 tỷ đồng), tăng mạnh so với con số 271 triệu Krona Thụy Điển (717 tỷ đồng) của năm 2018.
Quý I/2021, doanh thu thuần tại thị trường Việt Nam của H&M đạt 146 triệu Krona Thụy Điển (hơn 386 tỷ đồng), tăng 5% so với cùng kỳ 2019. Trong quý này, hãng cũng mở mới 2 cửa hàng tại Việt Nam.
Còn năm đầu tiên vào Việt Nam là 2017, dù đến tháng 9 năm này H&M mới có cửa hàng đầu tiên nhưng doanh thu trong năm ở thị trường Việt Nam theo ghi nhận đã đạt 70 triệu Krona Thụy Điển (tương đương 185 tỷ đồng) - con số mơ ước của nhiều hãng thời trang trong nước.
Doanh thu cao, song lợi nhuận trước thuế của H&M tại thị trường Việt Nam khá thấp. Năm 2018, lợi nhuận đạt 11 tỷ đồng và đến 2019 là 57 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp tại 65-66%.
Đến nay, H&M có tổng cộng 12 cửa hàng tại Việt Nam. Trong đó, 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 ở TP.HCM, 3 ở Hạ Long, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Tại các trung tâm thương mại lớn, cửa hàng của H&M có quy mô tương đối lớn. Vì giá sản phẩm rẻ hơn so với một số thương hiệu thời trang nhanh khác như Mango, Zara, GAP... nên có vẻ như sản phẩm của hãng này cũng thu hút khách hơn.
Lùm xùm ở thị trường thế giới
Ở Việt Nam khá thuận lợi, "dễ kiếm tiền" với H&M là thế, nhưng trong những năm qua, hãng thời trang nhanh Thụy Điển này lại khá chật vật ở nhiều thị trường thế giới.
Ghi nhận tại các thị trường khác của H&M trong 3 tháng đầu năm 2021 cho thấy kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng.
Tại Thụy Điển, doanh thu thuần H&M giảm 19%, một số nước châu Âu khác như Đức, Đan Mạch… lên đến trên 40%, một số nơi ở châu Á như Hồng Kông giảm 35%, Nhật Bản giảm 20%, Singapore giảm 28%…
Trong một báo cáo, H&M cho biết năm 2020 hãng có kết hoạch mở mới 200 cửa hàng và đóng cửa khoảng 175 cửa hàng, song thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng nghìn cửa hàng của hãng thời trang nhanh này phải đóng cửa.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, H&M mở mới 15 cửa hàng ở các thị trường nhưng số đóng cửa lên đến 84. Số cửa hàng mà H&M phải đóng cửa tại Tây Ban Nha, tính đến quý I/2021, đạt kỷ lục 23 cửa hàng.
Thậm chí, tại nhiều nước xuất hiện làn sóng tẩy chay, phản đối H&M cực kỳ mạnh mẽ.
Hãng này từng phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Nam Phi vì lỗi quảng cáo phân biệt chủng tộc khi nội dung quảng cáo có cậu bé da màu mặc chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực dòng chữ "coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: "chú khỉ ngầu nhất rừng xanh").
Gần đây nhất, H&M bị tẩy chay tại Trung Quốc khi tuyên bố không mua bông sản xuất ở Tân Cương. Loạt cửa hàng tại Trung Quốc - thị trường "vàng" của hãng - cũng phải đóng cửa.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hm-dang-thu-loi-nghin-ty-o-viet-nam-ra-sao-20210403154521672.htm#dt_source=Home&dt_campaign=Cover&dt_medium=1