Trong khi rất nhiều lao động trẻ ở nông thôn tìm, chọn việc làm ở các khu, cụm công nghiệp hay chốn thị thành thì không ít bạn trẻ ở lại làng quê lập nghiệp. Họ đã thành công nhờ ý chí và nghị lực của mình cùng sự đồng hành, hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) các cấp.
Làm giàu trên đồng đất quê hương
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Đăng Tuyên (SN 1991), thôn Trại Quan, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Từ xa đã thấy căn nhà 3 tầng lớn xây theo lối kiến trúc hiện đại. Sau nhà và quanh khu chuồng trại chăn nuôi rộng 1,5 nghìn m2 là hồ cá bao quanh tạo bức tranh đầy sức sống.
Lãnh đạo HND tỉnh và huyện Lục Nam thăm mô hình trồng nấm của anh Ong Thế Dũng (ngoài cùng bên phải).
Anh Tuyên tâm sự: “19 tuổi tôi đã xây dựng gia đình nên vốn liếng hầu như chẳng có. Năm 2015, đang lúc khó khăn tôi được HND xã Đông Hưng cho vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) để đầu tư sản xuất. Cơ ngơi có được hôm nay nhờ vào những đồng vốn đầu tiên ấy”.
Có vốn, anh Tuyên xây 4 ô chuồng, mỗi ô rộng 25 m2 và mua 40 con lợn giống về nuôi. Qua 2 lứa đầu, thấy vợ chồng anh chăn nuôi hiệu quả, HND xã đã bảo lãnh cho vay thêm 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Lục Nam để mở rộng sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, thú y, thủy sản…
Ngôi nhà đang xây và khu chuồng trại chăn nuôi của hộ anh Tuyên.
Với kiến thức được học, anh đã áp dụng vào sản xuất và thành công. Hiện mỗi năm, gia đình xuất bán từ 700-1.000 con lợn thịt; duy trì 100 con lợn nái sinh sản với số lợn giống bán ra khoảng 2 nghìn con/năm. Ngoài ra, anh còn thâm canh cá trên diện tích mặt nước 2,7 ha, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Doanh thu bình quân hơn 3 tỷ đồng/năm.
Khác anh Tuyên, khi học xong Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang, anh Vũ Thế Anh (SN 1990), thôn Ngọc Yên Ngoài, xã Cao Xá (Tân Yên) không xin được việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo nên đã làm nhiều công việc khác như: Dẫn chương trình, ca hát, phục vụ nhà hàng… Anh chia sẻ: “Làm ngoài thu nhập bấp bênh. Trong khi nhà lại có hơn 2 ha vườn, ao bỏ hoang mà người khác muốn cũng khó. Nghĩ thế, tôi quyết định chọn phát triển kinh tế VAC”.
Ngoài phát triển kinh tế hộ, chúng tôi còn định hướng các hội viên trẻ xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như tổ hội, chi hội nghề nghiệp, hướng tới thành lập các HTX. Đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm để phát triển bền vững”. Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch HND tỉnh. |
Năm 2015, nhờ HND xã Cao Xá, người thân, bạn bè ủng hộ tinh thần, vốn vay và đào tạo nghề, đến nay, Thế Anh đã có cuộc sống khá với mô hình chăn nuôi bò sinh sản, lợn thịt, gia cầm, thả cá, kết hợp trồng bưởi diễn cho thu nhập hơn 450 triệu đồng/năm.
Cùng với hộ anh Nguyễn Đăng Tuyên và Vũ Thế Anh, Bắc Giang còn có hàng nghìn hộ nông dân trẻ thu nhập cao nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp. Ví như hộ anh Ong Thế Dũng (SN 1994) ở xã Đông Hưng (Lục Nam), chuyên sản xuất nấm đông trùng hạ thảo cho thu hơn 2,5 tỷ đồng/năm.
Nhóm hộ nông dân trẻ chăn nuôi chim bồ câu tại thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) của anh Vi Văn Vít, thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Đa phần các gia đình nông dân trẻ đều nằm trong danh sách hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) ở địa phương.
Thu hút hội viên trẻ tham gia
Bắc Giang hiện có gần 107,5 nghìn hộ SXKDG các cấp. Trong đó có hàng chục nghìn chủ hộ trong độ tuổi thanh niên. Theo Chủ tịch HND Lục Nam Ngô Thị Ngọc Linh, để thu hút lao động trẻ gắn bó nghề nông cùng với phát động phong trào SXKDG, HND huyện còn tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên thanh niên phát triển sản xuất, như: Vay vốn từ các nguồn của Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ HTND. Ngoài ra, HND huyện phối hợp với các ngành tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp, cơ khí, dịch vụ để trang bị kiến thức cho hội viên trẻ.
Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Nguồn, thời gian gần đây, nhiều hội viên nông dân trẻ rời nông thôn đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Để giữ chân đối tượng này ở lại nông thôn phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương, HND tỉnh đã triển khai các mô hình, việc làm cụ thể, như: Làm vườn, chăn nuôi, dịch vụ… Ngoài ra, HND tỉnh còn dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của hội viên trẻ để hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghề.
Xác định đây là những người năng động nên Ban Thường vụ (BTV) HND tỉnh định hướng họ lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp với mình. Ngoài tạo nguồn vốn vay cho hội viên trẻ, BTV HND tỉnh xây dựng các đề án cụ thể, như: Đề án Nâng cao vai trò của HND Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025; đề án Nâng cao năng lực ứng dựng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ SXKDG trên địa bàn, góp phần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai đoạn 2021-2025…
Trong đó, Hội quan tâm phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX. Đi kèm là dịch vụ hỗ trợ: Vay vốn, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT, dịch vụ phân bón trả chậm, đưa giống mới vào thâm canh… giúp hội viên phát triển sản xuất.
Để đạt mục tiêu, BTV HND tỉnh đã triển khai các đề án đến các cấp Hội trong tỉnh. Các cấp Hội căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của mỗi địa phương. “Ngoài phát triển kinh tế hộ, chúng tôi còn định hướng các hội viên trẻ xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như tổ hội, chi hội nghề nghiệp, hướng tới thành lập các HTX. Đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm để phát triển bền vững”, ông Nguồn nói.
Theo Thế Đại/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/356199/cung-nong-dan-tre-lam-giau.html