Những năm gần đây, ngoài trồng sả, gừng gió, địa liền dưới tán rừng, người dân thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang) còn trồng các loại cây đặc sản khác như: Sâm nam, ba kích, hoài sơn, dổi xanh (lấy hạt)... với diện tích ngày càng tăng. Hiện các cây dược liệu này sinh trưởng, phát triển tốt.
Tiềm năng kinh tế dưới tán rừng
Khu vực trồng sâm nam của gia đình ông Toản.
Hộ ông Nguyễn Văn Toản, khu phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử có 25 ha đất rừng kinh tế ở tổ dân phố Mậu, giáp ranh Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Nhiều năm trước, gia đình chỉ trồng keo và bạch đàn lấy gỗ trên diện tích đất này. Ông Toản cho biết, khi Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử hoàn thành, ông đã bàn với người bạn cùng góp hơn 5 tỷ đồng đầu tư cây giống, phân bón và thuê nhân công chuyển gần 10 ha đất rừng sang trồng xen canh cây đặc sản bản địa.
Dù mới trồng được hơn một năm nhưng 3 ha dổi xanh đã lên ngang thân người. Xen cạnh là bưởi. Dưới gốc dổi và bưởi là những luống ba kích đã lên cao hơn một gang tay. Cách đó không xa, 1 ha sâm nam cũng bắt đầu leo giàn. Tranh thủ tiết xuân, trời có mưa ẩm, ông Toản thuê nhân công gấp rút xuống giống 6 ha hoài sơn (củ mài - một vị thuốc quý trong Đông y).
Ông Toản chia sẻ: “Mục đích của tôi là khôi phục cây dược liệu quý và cây đặc sản của rừng Yên Tử. Một phần sản phẩm sẽ được bán làm quà cho du khách, còn lại cung ứng ra thị trường. Chúng tôi hướng tới thành lập hợp tác xã (HTX) vừa sản xuất vừa làm du lịch vườn rừng tại đây. Du khách đến thăm có thể chọn một gốc cây thuốc quý hay sâm nam trong vườn và tự thu hoạch. Đó sẽ là trải nghiệm rất thú vị”.
Thị trấn Tây Yên Tử có tổng diện tích hơn 8,2 nghìn ha. Trong đó đất rừng chiếm hơn 70%, bao gồm cả Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Diện tích rừng sản xuất của thị trấn đạt hơn 2,1 nghìn ha, mỗi năm khai thác hơn 250 nghìn m3 gỗ rừng trồng. |
Thực tế, đây là những cây dược liệu, đặc sản rất giá trị. Sau 5 năm, 1 ha sâm nam sẽ cho hơn 10 tấn củ tươi, trị giá gần 3 tỷ đồng (tính theo giá sản phẩm tại thời điểm này). Ba kích sau 4 năm được thu, bình quân đạt 15 tấn/ha, trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Dổi xanh (trồng lấy hạt) sau 5 năm cây sẽ cho thu, trung bình đạt hơn 4 tấn hạt/ha (cây cho lứa đầu, các vụ sau quả ra hàng năm, sản lượng tăng dần theo độ tuổi của cây), trị giá hơn chục tỷ đồng. Riêng hoài sơn sau 1 năm sẽ được thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 30 tấn củ/ha, trừ chi phí người trồng thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Cùng với hộ ông Toản, tại địa bàn thị trấn Tây Yên Tử còn có HTX Dược liệu Thiên Phú ở tổ dân phố Đồng Rì với hơn 20 thành viên là các hộ gia đình trong thị trấn tham gia. Theo bà Triệu Thị Xoan, Phó Giám đốc HTX, HTX Dược liệu Thiên Phú thành lập năm 2017, sản phẩm của các thành viên gồm các cây trong vị thuốc trong Đông y như: Sả (để chiết xuất tinh dầu), gừng gió, địa liền và ngải Đài Loan. Cùng với ba kích và sâm nam, đây thực sự là những giống cây cần được khai thác. Mong muốn của các thành viên trong HTX là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào trong vùng.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử Phạm Văn Thịnh cho biết, ý nguyện của HTX Dược liệu Thiên Phú cũng là một trong những nội dung Nghị quyết của Đảng bộ thị trấn Tây Yên Tử sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ này. Theo đó, ngoài phát triển cây lấy gỗ, thị trấn định hướng người dân đưa cây dược liệu vào thâm canh dưới tán rừng.
Bởi đây là những loài cây bản địa hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Hiện địa phương đang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động khảo sát để đưa cây dược liệu vào thâm canh. Một tin vui, ngày 3/3 vừa qua, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Ninh, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) đã về khảo sát địa bàn thị trấn Tây Yên Tử nhằm liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu.
Dự kiến, đơn vị sẽ xây dựng nhà máy chế biến cây dược liệu tại thị trấn. Theo ông Thịnh, địa phương sẽ hỗ trợ thành lập HTX dược liệu, làm vệ tinh cho Công ty cổ phần tập đoàn Khang Ninh. Đồng thời ưu tiên cho những hộ nghèo tham gia để phát triển kinh tế hộ. “Trước mắt, UBND thị trấn khuyến khích người dân ở tổ dân phố Mậu nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả như ở HTX Dược liệu Thiên Phú hay HTX ba kích tím Tây Yên Tử, xã Thanh Luận (cùng Sơn Động). Vì nơi đây có quỹ đất và bà con đã có kinh nghiệm trồng cây dược liệu”, ông Thịnh cho biết thêm.
Được biết, đất rừng khi trồng cây dược liệu sẽ tạo độ phì sau nhiều năm chuyên canh bạch đàn. Vì nguồn phân bón cho các loại cây dược liệu chủ yếu là hữu cơ nên sẽ giúp cho các loại cây trồng xen khác như: Bưởi, dổi xanh tận dụng độ phì này để cho quả và hạt chất lượng cao hơn. Trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn giúp sạch cỏ, bụi cây dại, đất không bị xói mòn.
Tây Yên Tử là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng và du lịch. Trong những cánh rừng nguyên sinh đó có không ít loài cây dược liệu quý chưa được nhân lên thành vùng nguyên liệu. Sau nhiều năm bị “lãng quên” bởi người dân nơi đây chỉ chú trọng trồng rừng lấy gỗ, tương lai không xa, Tây Yên Tử sẽ còn được biết đến là vùng trồng và sản xuất nhiều cây dược liệu quý, hiếm, giá trị kinh tế cao.
Theo Bảo Lâm/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/355522/xay-dung-vung-san-xuat-duoc-lieu-tay-yen-tu.html