Năm 2021, thị trường dự báo tiếp tục khó khăn, bất định nhưng nhờ chủ động, ngành dệt may tự tin hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỉ USD
Vừa về đến văn phòng sau chuyến khảo sát một khu công nghiệp ở Bình Dương, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX) - báo tin vui là hầu hết doanh nghiệp (DN) may mặc trong khu công nghiệp này đều đang tuyển thêm lao động.
"Năm nay, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tình hình lao động tại các công ty dệt may sau Tết ổn định, số công nhân bỏ việc sau Tết không đáng kể. Những DN đang tuyển lao động là để phục vụ kế hoạch sản xuất gia tăng ngay từ đầu năm" - ông Hồng cho biết.
Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến giữa năm
Theo ghi nhận của AGTEX, hầu hết DN đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số DN có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8. "May Sài Gòn 3 đã ký đơn hàng quần jeans, kaki xuất sang Nhật đến hết quý II. Saigon Garmex, Việt Tiến... cũng có đơn hàng tốt. Phần lớn DN đã có đơn hàng, có thể do năm ngoái tiêu thụ sụt giảm mạnh nên năm nay tăng trở lại. Tiêu thụ chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật. Trong đó, thị trường Mỹ tăng khả quan, châu Âu tăng chưa xứng tiềm năng do DN Việt chưa khai thác tốt lợi thế của EVFTA" - ông Hồng nêu và phân tích thêm Việt Nam đang có lợi thế là lao động ổn định, dịch bệnh được kiểm soát nên các nhà mua hàng yên tâm đặt hàng mới với giá cả tương đối phù hợp, thuận lợi cho DN thực hiện.
Ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cũng thừa nhận từ đầu năm đến nay, tình hình làm ăn tốt hơn nhiều so với năm 2020. Xu hướng chung là các nhà mua hàng chuyển nhu cầu sang những mặt hàng đơn giản, tiện dụng, nghiêng về thể thao; dòng sản phẩm thời trang, công sở tiếp tục xu hướng cắt giảm do tác động của dịch Covid-19.
"Những DN lâu nay làm hàng may mặc thời trang có thể gặp khó khăn trong thời gian đầu chuyển đổi sang sản xuất hàng cơ bản, đơn giản, còn những DN mạnh về dòng sản phẩm cơ bản, thể thao như Thành Công thì phát triển thuận lợi hơn. Đơn hàng xuất sang Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu của chúng tôi đã ký đến tháng 8.
Tình hình chung năm nay sẽ phục hồi dần, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể về mốc 39-40 tỉ USD như năm 2019 với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, thế giới khó khăn thì xuất khẩu dệt may tiếp tục vất vả bởi lĩnh vực này cực kỳ nhạy cảm với những tác động của dịch Covid-19" - ông Tùng nhận định.
Dù khẳng định còn nhiều khó khăn do sản lượng tiêu thụ của công ty tại EU vẫn giảm đến 80% so với năm 2018, thị trường Mỹ cũng giảm 60% nhưng ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, cho hay đơn hàng đúng là đã có đến tháng 6, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Myanmar... nên được các nhà mua hàng ưu tiên lựa chọn. Các FTA (hiệp định thương mại tự do) với những thị trường lớn đã ký cũng mở rộng đầu ra cho DN xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cuối năm 2020, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang phá sản (theo báo cáo của MCKinsey). Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020 và lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ.
Tính riêng tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Do đó, kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng dệt may năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỉ USD.
Ngành dệt may ngày càng được cải thiện nguồn cung nguyên liệu từ trong nước. Ảnh: TẤN THẠNH
Phát triển nguồn nguyên liệu trong nước
Các DN may mặc Việt Nam lạc quan cuối năm nay sẽ bớt khó khăn và phục hồi dần, đến năm 2022 sẽ có nhiều tiến triển rõ rệt. Tuy vậy, để được thế, DN phải điều chỉnh, bám theo nhu cầu thị trường và chuyển biến nhanh hơn với những biến động thị trường để nắm bắt cơ hội. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố thay đổi này, trước mắt là để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỉ USD đề ra trong năm 2021.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng sự thay đổi toàn diện chiến lược phát triển, đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường mà các FTA đang mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thực tế thời gian qua, các DN đã quan tâm hơn đến việc xây dựng nguồn cung vải trong nước để khai thác lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)... Trong đó, nhiều DN đã khai thác lợi thế sản xuất trong nước để xuất khẩu sang châu Âu, hưởng lợi thế theo EVFTA. Theo các DN, cơ hội tăng xuất khẩu sang châu Âu đã tạo chất xúc tác để các nhà sản xuất nguyên phụ liệu mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nhà máy, chuẩn bị và cung ứng nguyên phụ liệu "made in Vietnam" nhiều hơn.
Ông Phạm Xuân Hồng đánh giá đã có kết nối giữa nhà sản xuất nguyên phụ liệu và nhà may mặc trong nước. Công ty Sợi Thế Kỷ cũng đã mạnh dạn nhập nguyên liệu về sản xuất sợi, một số nhà máy may mặc cũng đang mở rộng nhà máy mới ở Bình Dương để chuẩn bị cho chặng đường mới. Công ty Thành Công cũng đang tập trung vào những lợi thế do những hiệp định mang lại, tăng năng lực sản xuất vải để cung cấp cho các DN trong nước làm hàng xuất khẩu sang EU, bên cạnh đó là khai thác thêm một số khách hàng mới trong khối này.
Ông Phạm Văn Việt cho rằng tỉ lệ nguyên liệu tại chỗ từ 20% trước đây đã tăng lên 50% trong hiện tại. Một số tập đoàn sản xuất bông, vải sợi đang đầu tư, vận hành nhà máy ở các khu công nghiệp tại Quảng Ninh, Quảng Ngãi... đã và đang góp phần chủ động nguyên liệu bông, vải sợi.
Chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu nhà mua hàng
Theo ông Phạm Văn Việt, xu hướng tiêu dùng hàng dệt may trên thế giới đang chuyển đổi theo hướng đơn giản hóa, tiết giảm tối đa, kéo giá gia công xuống thấp và gây bất ngờ lớn đối với các DN làm sản phẩm thời trang.
"Thông thường, DN dệt may phải chuẩn bị nguyên phụ liệu trong vòng 3-4 tháng, những DN chưa kịp chuẩn bị nguyên liệu sản xuất theo yêu cầu mới sẽ rơi vào bị động, DN nào chuyển đổi nhanh sẽ sớm bắt nhịp lại bình thường" - ông Việt nói và cho biết khoảng 80% DN làm hàng FOB (giao trên tàu) và CM (gia công) đang bị ảnh hưởng vì thiếu nguyên liệu, có DN thiếu đến 30%-40% nhưng chỉ là tạm thời trong thời gian ngắn.
Ông Việt dự báo hành vi khách hàng chuyển sang thời trang đơn giản chỉ là nhất thời và có thể kéo dài cả năm để thích ứng với tình hình dịch bệnh nên trước mắt, DN tạm dừng các dây chuyền sản xuất hàng thời trang, tập trung làm hàng cơ bản. Bản thân Việt Thắng Jeans đã điều chỉnh lại sản phẩm thời trang phù hợp với từng thị trường, đơn giản hóa để bán hàng online.
Bên cạnh đó là tìm giải pháp để khai thác công nghệ đã đầu tư nhưng chưa chuyển giao được do vướng dịch Covid-19, các chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam. "Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 10% về sản lượng, trở về mức của năm 2018. Quan trọng nhất vẫn là duy trì việc làm cho người lao động để sau khi hết dịch là tăng tốc" - ông Việt lạc quan.
Theo Thanh Nhân/Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-det-may-lac-quan-tro-lai-20210302212226584.htm