Năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng của kinh tế toàn cầu, trong đó phải kể đến con số xuất siêu đạt kỷ lục trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Kết quả đạt được này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.Ảnh: Hải Nguyễn
Nhân dịp này, Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trên “sân chơi” toàn cầu.
Tham gia các FTA: Cơ hội nhiều nhưng thách thức lớn
Thưa bộ trưởng, thế giới đang trải qua sự thay đổi rất lớn bởi những xung đột thương mại của các nước lớn, xu hướng bảo hộ... Bên cạnh đó là dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới trong bối cảnh này sẽ giúp ích gì cho nền kinh tế của Việt Nam?
- Việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang đến nhiều cơ hội, cũng như thách thức mới.
CPTPP là hiệp định bao trọn một khu vực thị trường khoảng 490 triệu người, chiếm 13% GDP toàn cầu, với thu nhập bình quân đầu người trên 19.000 USD. Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm gần 15% tổng nhập khẩu toàn cầu. RCEP được coi là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay.
Các FTA thế hệ mới là động lực giúp chúng ta hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn; qua đó thúc đẩy đầu tư, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu và góp phần vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả. Bên cạnh đó, các FTA mới sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập, khai thác các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, qua đó cơ cấu thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Đồng thời, các FTA cũng kỳ vọng là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh...
Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện các FTA thế hệ mới. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và công chúng nắm được nội dung cam kết tại các hiệp định này mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức.
Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các hiệp định thương mại nói riêng, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao và toàn diện không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức. Chúng ta đã chuẩn bị như thế nào trước những thách thức này, thưa ông?
- Ngay khi Hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động để thực thi.
Các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện của mình để thực thi Hiệp định CPTPP và EVFTA. Theo đó, để giải quyết được những thách thức có thể xảy ra, Chính phủ tiến hành xây dựng một số nhóm nhiệm vụ quan trọng.
Thông qua các nhóm nhiệm vụ này, Việt Nam dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, hỗ trợ cho doanh nghiệp đối mặt với rủi ro và thách thức khi các FTA thế hệ mới đi vào thực thi. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rõ, việc có thực sự vượt qua được thách thức và tận dụng tối đa cơ hội mà hiệp định mang lại hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của doanh nghiệp. Chính phủ chỉ có thể đưa ra công cụ, hỗ trợ về mặt thể chế phù hợp với cam kết, còn doanh nghiệp cần phải nắm rõ nội dung cam kết, nỗ lực cải tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nhân sự, nâng cao năng lực để sẵn sàng cho những cuộc chơi lớn đầy khốc liệt.
Doanh nghiệp Việt phải chủ động trong “sân chơi lớn”
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các sân chơi lớn và doanh nghiệp Việt cần làm gì để tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA?
- Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam hiểu và sẵn sàng tham gia vào các “sân chơi lớn” như Hiệp định CPTPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là chỉ khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tỉ lệ này đã được cải thiện đáng kể.
Để tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh để không chỉ giữ chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của các nước đối tác, thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm.
Cụ thể, để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực, công nghệ. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ phù hợp với khả năng sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nâng cao chất lượng sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên ưu thế cạnh tranh của sản phẩm. Chất lượng sản phẩm cũng cần gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu thị trường và định hướng kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp, từ đó xác định thị trường trọng điểm, mục tiêu, quy mô, tốc độ tăng trưởng, kênh phân phối, các vấn đề về luật pháp liên quan… nhằm phát huy tối đa lợi thế và nguồn lực của doanh nghiệp, phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá về sản phẩm trên thị trường nước ngoài cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm và doanh nghiệp nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp nên xem xét, tích cực tận dụng các cơ hội mới mà thương mại điện tử và kỷ nguyên thương mại số mang lại nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, quảng bá và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu!
Nếu Việt Nam thực hiện tốt những cam kết của các FTA thì diện mạo nền kinh tế nước ta, trong đó có ngành Công Thương, sẽ như thế nào trong các mốc 2030 và 2045?
- Có thể nói, cùng với việc tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350% trong năm 2019 so với năm 2007 và tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao trong năm 2020.
Kết quả đạt được này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả.
Ngoài 11 FTA mà Việt Nam đang thực hiện trong vòng 20 năm trở lại đây, việc thực hiện 2 FTA thế hệ mới là CPTPP năm 2019 và EVFTA vào tháng 8.2020 và mới đây là Hiệp định RCEP, rồi chúng ta vừa kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA để nhanh chóng ký kết, đưa hiệp định này vào thực thi… là bàn đạp để chúng ta đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn diện với khu vực.
Theo tính toán, việc tham gia CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,7 tỉ USD, hơn 4 tỉ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Còn với EVFTA, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm; GDP tăng thêm ở mức bình quân 7,07 đến 7,72% vào năm 2029-2033 và có thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030.
Về tổng thể, việc thực thi các FTA sau 10 năm nữa dự kiến sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến năm 2045, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc so với hiện nay, khi đó, chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước vẫn cần được duy trì để bảo vệ và tiếp tục phát huy thành quả mà ta đã đạt được. Sau 10 và 25 năm nữa, với nền tảng hội nhập kinh tế hiện nay, tiếp tục chủ trương hội nhập đa phương sẽ giúp Việt Nam duy trì vai trò xác lập luật chơi trong khu vực, tập hợp lực lượng và ngày càng củng cố, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn bộ trưởng!
Theo Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/viet-nam-tu-tin-tien-vao-san-choi-toan-cau-875267.ldo