"Khi tôi bỏ nghề rồi về khai khẩn đất đồi trồng dó bầu ai cũng bảo rằng tôi bị khùng. Nhưng ai nói mặc kệ, tôi vẫn quyết tâm, giờ đây dó bầu trả ơn" - ông Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ.
Bị nói "khùng" khi ném tiền vào dó bầu
Ông Nguyễn Hữu Toàn (63 tuổi, ở xã Ân Mỹ) trụ vững với cây dó bầu nhờ thành công trong việc cấy tạo trầm. Không dừng lại ở đó, trầm sau khai thác được anh sản xuất thành nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
Ông Nguyễn Hữu Toàn bên gốc dó bầu được ông khoan lỗ tạo trầm
Theo ông Toàn, sau giải phóng, Hoài Ân từng được mệnh danh là "xứ trầm hương" của tỉnh Bình Định với hàng trăm ha dó dầu. Tuy nhiên, sau này cây dó bầu dần sạch bóng, thay vào đó là những rừng keo, cây lâu năm khác. Bởi khi đó chẳng mấy ai thành công trong việc cấy tạo trầm.
Ông Toàn cho biết, hiện gia đình ông có 2ha dó bầu đã được 26 năm tuổi, 5,5ha đã 17 năm tuổi và 6ha được 13 năm tuổi.
"Trước đây tôi đi dạy, rồi chuyển qua cán bộ lương thực, nhưng thời bao cấp lương ba cọc ba đồng nên xin nghỉ về làm ăn buôn bán song cũng thất bại. Sau này, tôi quyết định bỏ công sức khai khẩn đất đồi, đầu tư trồng dó bầu. Lúc đó, bà con hàng xóm cứ bảo tôi khùng. Bởi họ nghĩ cây dó mấy chục năm sau mới cho trầm thì đến hết đời cũng không có trầm khai thác", ông Toàn kể lại.
Những gốc dó bầu 26 năm tuổi đã khai thác trầm nhiều lần
Dó bầu sau khi khai thác tiếp tục lên nhiều nhánh mới
Sau khi trồng hàng chục héc ta dó bầu, ông lặn lội đi khắp các xứ trầm hương trên đất nước học kỹ thuật cấy tạo trầm.
Theo ông Toàn, cây dó bầu hàng trăm năm tuổi nhưng nếu không bị tác động của ngoại cảnh như bão làm gãy hoặc không bị lậy ăn, kiến đục thì sẽ không cho trầm.
"Cây dó trồng khoảng 10 năm thì có thể tạo trầm bằng cách khoan lỗ trên thân cây tạo vết thương, sau đó cấy chế phẩm vào để tạo trầm. Trước đây, người ta tạo trầm bằng hóa chất, bây giờ thay bằng chế phẩm sinh học. Cấy chế phẩm hóa chất thì cây dó tạo trầm nhanh, nhưng chất lượng thấp. Còn trầm được cấy bằng chế phẩm sinh học chậm, nhưng chất lượng không kém với trầm tự nhiên", ông Toàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Tánh, chuyên gia xỉa dó bầu lấy trầm
Ông Toàn khẳng định rằng, sản phẩm trầm của gia đình ông đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính nên cho giá trị cao.
"Ai có tiềm lực kinh tế, sau khi cấy chế phẩm, để 30 năm sau mới thu hoạch thì khi ấy thân cây dó không còn gỗ mà đã hóa trầm đen mun. Lúc đó, giá trị của trầm tăng gấp cả trăm lần so với trầm thu hoạch sớm", ông Toàn nói.
Dó bầu xuất ngoại
Theo ông Toàn, trước đây, sản phẩm trầm của gia đình ông được bán thô cho những cơ sở thu mua ở tỉnh Khánh Hòa nên giá trị thấp.
Chỉ đến khi con trai ông Toàn là anh Nguyễn Hữu Trí (40 tuổi) kế thừa sự nghiệp của cha đã bắt đầu tìm hiểu thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Khi cơ hội đến, Trí đầu tư mua máy móc về sản xuất nhiều sản phẩm từ trầm.
Anh Nguyễn Hữu Trí, con trai ông Toàn nối nghiệp cha và đưa trầm xuất ngoại
Theo anh Trí, hiện cơ sở của gia đình đang xuất khẩu trầm sang các nước Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hàng xuất khẩu chủ yếu là trầm miếng, tinh dầu trầm, bột trầm, nhang trầm. Ngoài ra, còn các sản phẩm mỹ nghệ khác được làm từ trầm như: Cây cảnh, quạt cầm tay, các loại vòng hạt đeo tay, đeo cổ cùng những vật dụng lưu niệm khác.
Trầm miếng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới
"Trầm xuất sang thị trường nước ngoài có nhiều giá, tùy theo độ non già của tuổi trầm. Trầm càng già tuổi có giá càng cao. Hiện mặt hàng trầm miếng nhân tạo dạng thuộc loại non tuổi có giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu/kg, hàng cao cấp có giá từ 250 USD đến 2.000 USD/kg" - anh Trí cho hay.
Theo anh Trí, trong các sản phẩm từ trầm thì tinh dầu là có giá trị cao nhất. Bởi, trong sản xuất nước hoa cao cấp, tinh dầu trầm là thành phần quan trọng, nó có vai trò định hương trong nước hoa. Nước hoa có thành phần tinh dầu trầm sẽ thơm rất lâu.
Tinh dầu trầm có giá trị rất cao
Anh Trí cũng cho biết, công đoạn lấy trầm là khâu quan trọng nhất, đòi hỏi phải cần bàn tay của những thợ xỉa trầm chuyên nghiệp. Mắt thợ phải tinh, tay phải khéo mới có thể bóc tách những phần gỗ trên miếng trầm, chỉ còn để lại phần đen đầy dầu trầm.
Hạt dó bầu được thu về phơi khô làm giống bán khắp cả nước
Theo nhận định của anh Trí, thị trường tiêu thụ mặt hàng trầm hương trên thế giới được người sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống hàng ngày. Nhất là thói quen sử dụng trầm hương từ các nước châu Á, Trung Đông đã lan sang đến châu Âu.
Từ sau khi tự dựng xây chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm trầm, năm nào gia đình có mức doanh thu ít nhất cũng 500 triệu đồng, năm nào nhiều thì hơn tỷ
Sản phẩm mỹ nghệ khác được làm từ trầm
Theo Doãn Công/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bi-noi-khung-vi-bo-nghe-giao-len-doi-trong-do-bau-khi-thu-tien-ty-thi-20210214084928867.htm