BGTV- Những năm qua, huyện Lục Ngạn đã quan tâm triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng cây ăn quả chất lượng cao, trong đó tập trung phổ biến khoa học kỹ thuật, áp dụng biện pháp sản xuất hữu cơ trong sản xuất, trước hết tập trung vào sản xuất VietGap, GlobalGap.
Giá thành cao, mẫu mã đẹp
Về thăm vườn bưởi đang ở thời điểm chín vàng bắt mắt được sản xuất theo hướng hữu cơ của gia định ông Trần Đình Én ở thôn Tân Trường, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, sẽ không ít người khỏi thán phục. Ông là một trong số hộ gia đình đầu tiên ở huyện Lục Ngạn đã mạnh dạn đưa vào phát triển mô hình cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Chỉ tay về phía những cây bưởi ngọt trĩu quả, ông Én cho hay, trước đây gia đình ông chăm bón cây bằng phân hóa học, do đó quả bị giảm độ ngọt, mã xấu nên giá bưởi chỉ còn khoảng 20 nghìn đồng/quả. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng trồng bưởi sang hướng hữu cơ, cây sai hơn, quả ngọt, năng suất, chất lượng tăng cao. Đến nay hàng năm khu vườn cho thu từ 5 – 6 vạn quả bưởi ngọt chất lượng, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho gia đình.
Du khách đến thăm quan nhà vườn ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn
Nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng, luôn được ngành chức năng của huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm thực hiện. Các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây có múi cho nhân dân. Do đó người dân đã có ý thức dần chuyển đổi hướng từ canh tác truyền thống sang hướng bền vững, hiệu quả và an toàn mới như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái... Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, hướng đi của huyện là tăng nhanh diện tích thâm canh theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, việc chú trọng đến sản xuất theo quy trình an toàn, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ đã nâng cao được giá trị nông sản và hiệu quả kinh tế từ trồng cây có múi - đó cũng là chia sẻ của bà Lâm Thị Hà - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lục Ngạn.
Nhân rộng diện tích cây có múi VietGAP
Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2020, tổng diện tích cây có múi của địa phương là 6,74 nghìn ha, trong đó, cây cam trên 4,1 nghìn ha; bưởi trên 2,2 nghìn ha, cây có múi khác hơn 345 ha. Tổng sản lượng năm 2020 ước đạt 63,75 nghìn tấn, tăng hơn năm 2019 hơn 5,7 nghìn tấn. Hướng đến việc phát triển bền vững cây có múi, huyện đã áp dụng đồng bộ các giải pháp.
Ngành chuyên môn cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật như sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh để sản xuất an toàn, bền vững. Đặc biệt, huyện chỉ đạo tập trung sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất sạch; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP tiến tới GlobalGAP. Trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tăng lên đáng kể. Đến nay tổng diện tích cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP của huyện đạt hơn 1,72 nghìn ha, tăng hơn 100ha so với năm 2019, tập trung tại các xã: Tân Mộc, Tân Quang, Hồng Giang, Thanh Hải, Phượng Sơn và những xã vùng thấp.
Đặc biệt, vào tối ngày 20/11/2020, tại lễ khai mạc Hội chợ Cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020, UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Công ty cổ phần Logistics Những ngôi sao liên kết khai trương sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn. Đây là website dịch vụ thương mại điện tử cung cấp toàn bộ thông tin về sản xuất, thương hiệu nông sản của huyện Lục Ngạn nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối giao thương sản phẩm. "Tại sàn giao dịch điện tử này, các thương nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể trao đổi thông tin về chất lượng, mẫu mã, giá cả, giao dịch mua - bán nông sản chủ lực và các sản phẩm đặc trưng của huyện trực tiếp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trồng cây ăn quả… Hứa hẹn mang đến nhiều kỳ vọng cho sự phát triển cho vùng cây ăn quả Lục Ngạn" - ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin.
Sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn dacsanlucngan.vn
Huyện Lục Ngạn cũng xác định, chỉ khi sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc thì người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng. Trong khi, sản phẩm cây có múi của Lục Ngạn đang phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại khác của các tỉnh bạn - như: Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn… Nhận thức được điều này, chính quyền, cơ quan chuyên môn của Lục Ngạn đã chủ trương không tăng diện tích cây có múi mà tập trung nâng cao chất lượng các loại quả. Từ đó, liên kết với doanh nghiệp tìm các thị trường xuất khẩu để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hội chợ Cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn được tổ chức tại huyện Lục Ngạn hàng năm, không chỉ nâng cao thương hiệu trái cây Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung. Mà chính là tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà" trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời đã trở thành một sự kiện xúc tiến thương mại lớn, là diễn đàn để giao lưu, học hỏi, chia sẻ và hợp tác kết nối chuỗi cung - cầu giữa các doanh nghiệp, thương nhân, các hợp tác xã, hướng tới phát triển du lịch sinh thái nhà vườn gắn với văn hóa tâm linh nhằm đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản và tạo thêm thu nhập cho nhân dân… |
Huyền Trang