Cho đến nay, các nhà máy đường tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa khởi động mua mía dù cây mía đã đến hồi thu hoạch. Thực tế, diện tích mía tại các vùng nguyên liệu không còn nhiều. Người trồng mía không còn mặn mà với loại cây này.
Cảnh mía chờ tiêu thụ tại nhà máy đường giờ rất hiếm thấy. Ảnh: Nhật Hồ
Nhà máy hoạt động cầm chừng, diện tích liên tiếp giảm
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có hơn 5.000ha diện tích trồng mía. Với diện tích này hiện được cho là lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người trồng cũng không vui dù giá có cao hơn các năm trước.
Mía sớm được thương lái thu mua 1.400 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Phụng Hiệp, nông dân vẫn không còn mặn mà với mía. Bởi, khả năng đến thu hoạch rộ, giá sẽ giảm. Chính vì vậy, diện tích mía tại đây liên tiếp giảm. Năm 2000, diện tích cây mía ở Phụng Hiệp có gần 10.000ha, năm 2018 còn 7.000ha, hiện nay chỉ còn 4.700ha. Huyện dự kiến giảm xuống còn 3.000ha để cung cấp cho nhà máy đường.
Tại Sóc Trăng, diện tích mía cũng giảm liên tục tại huyện Cù Lao Dung, Long Phú. Theo Sở NNPTNT Sóc Trăng, hiện tại, huyện Long Phú không còn quy hoạch sản xuất mía. Riệng huyện Cù Lao Dung, địa phương cũng thay đổi cây trồng, vật nuôi khác cây mía để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của nhà máy đường Sóc Trăng.
Nay ĐBSCL chỉ còn ba địa phương có nhà máy đường hoạt động là Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Nhà máy đường Cà Mau chính thức ngưng hoạt động từ 3 năm nay khiến cho vùng nguyên liệu trên 3.000ha chính thức xóa sổ.
Người trồng mía, nhà máy đường cùng kêu khó
Anh Nguyễn Thanh Ngôn (xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) mạnh dạn chuyển đổi hơn 2ha mía sang trồng dừa, trồng mít Thái siêu sớm. Anh nhận định: “Cây mít qua 2 năm cho trái, cây dừa xiêm 4 năm là thu hoạch ổn định. Hai loại cây này thu nhập ổn định hơn cây mía rất nhiều”.
Theo Phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung, có đến trên 1.000ha diện tích trồng mía được người dân chuyển đổi sang cây trồng vật nuôi khác.
Trong khi đó tại Cà Mau, khi Nhà máy đường Thới Bình (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) ngưng hoạt động, địa phương hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng gừng, trồng dây thuốc cá một phần diện tích nhiễm mặn.
Áp lực giá đường liên tục giảm khiến các nhà máy đường khó có thể thu mua mía nguyên liệu giá cao theo hướng có lợi cho người trồng. Lãnh đạo nhà máy đường phân tích: Với giá đường bán buôn trên thị trường dao động từ 12.000 - 12.500 đồng/kg như hiện nay, phía nhà máy khó có thể mua mía nguyên liệu trên ngưỡng 900 đồng/kg. Mặc khác, trước đây, nguồn mía dồi dào, nhà máy hoạt động 6 tháng, nay diện tích giảm, các nhà máy chỉ hoạt động 3 tháng nhưng phải trả tiền nuôi quân đến 9 tháng nằm không.
“1kg đường hiện nay, các nhà máy chỉ lãi khoảng 200 đồng. Một nhà máy có công suất lớn hoạt động cũng chỉ lãi khoảng 5 tỉ đồng, trong khi đó, vốn điều lệ trên 130 tỉ đồng. Tính ra hoạt động 1 năm không bằng gửi ngân hàng” - anh phân tích.
Gần 20 năm trước, không chỉ ĐBSCL mà cả nước ồ ạt nhập khẩu thiết bị về làm nhà máy đường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện còn gần 33.000 hộ nông dân, với khoảng 1,5 triệu lao động nông nghiệp tham gia ngành mía đường. Tuy nhiên, những lao động trong ngành mía đường thu nhập ngày càng giảm do giá đường kéo giá mía cùng đi xuống.
Theo Nhật Hồ/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/cay-mia-het-thoi-854705.ldo