205
/
171943
Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả
sap-xep-to-chuc-bo-may-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua
news

Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả

Thứ 3, 05/11/2024 | 15:15:30
2,002 lượt xem

Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

1. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một trong những yếu tố then chốt đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người cầm lái vĩ đại, người thuyền trưởng tinh anh đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới.

Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta từ năm 1945 đến nay cơ bản ổn định gồm 3 khối (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội). Với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, tổ chức bộ máy của từng khối đã có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI đến nay, khái niệm “Hệ thống chính trị” chính thức được sử dụng đánh dấu sự phát triển tư duy, nhận thức của Đảng về yêu cầu, nhiệm vụ đối với hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng của đất nước, qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 9/2/2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18; Kết luận số 37-KL/TW, ngày 2/2/2009 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; kinh tế xã hội phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.

Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng… Chất lượng tham mưu, đề xuất của một cơ quan, tổ chức đảng với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số lĩnh vực còn hạn chế; năng lực điều phối, hướng dẫn, tổ chức thực hiện trong toàn Đảng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; phân định phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ chưa triệt để; một số nhiệm vụ liên thông, gắn kết nhau hoặc cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều bộ quản lý. Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.

2. Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với một số công tác trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất: xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ chính trị, Ban Chấp hành trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới, phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương... bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.

Thứ hai: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.

Thứ ba: gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

V.I.Lênin khi nói về cải tiến bộ máy Nhà nước đã nhấn mạnh: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô- Viết”[1]; xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Theo Nhân dân Online

https://nhandan.vn/tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-post843171.html

  • Từ khóa

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang được đề xuất đưa vào khai thác dịp tết, vượt tiến độ 4 tháng

Ngày 4.1, đại diện Tập đoàn Sơn Hải (đại diện liên danh 3 nhà thầu) cho biết sau thời gian vượt núi băng rừng thi công, cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua...
08:19 - 05/01/2025
41 lượt xem

Sắp xếp bộ máy công an tỉnh tinh, gọn, mạnh

Ngày 4.1, tại TP.Yên Bái, nhân dịp đón xuân mới Ất Tỵ, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (3.2.1930 - 3.2.2025), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh...
08:11 - 05/01/2025
45 lượt xem

Lực lượng Vũ trang TP HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng lần 3

Đây là công sức của toàn quân, toàn dân; là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM
14:48 - 04/01/2025
465 lượt xem

Thủ tướng: 'Trung tâm tài chính là việc chung của đất nước, toàn hệ thống cùng làm'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương không coi trung tâm tài chính là công việc của riêng TP.HCM và Đà Nẵng mà là việc chung của đất...
11:40 - 04/01/2025
545 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố xây dựng Trung tâm tài chính

Trung tâm tài chính sẽ tạo ra một "cú hích" và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP HCM và Đà Nẵng mà còn đối với cả nước
09:00 - 04/01/2025
593 lượt xem