Liên quan vụ 8 học sinh đuối nước khi tắm sông ở Hòa Bình, nhiều người thắc mắc, ở những khu vực nguy hiểm này, chính quyền phường có đặt biển cấm tắm, hay cảnh báo nguy hiểm?
Bạn bè của các nạn nhân đến thắp hương cho nam sinh gặp nạn.
Về việc này, bà Nguyễn Thị Mỹ Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang cho biết, chính quyền từng cắm nhiều biển cảnh báo, cấm tắm tại khu vực các cháu gặp nạn. Tuy nhiên, một số biển cấm bằng kim loại đã bị người dân nhổ đi, còn biển kiên cố mới bị nước lũ cuốn trôi.
Được hỏi việc đảm bảo an toàn cho trẻ em nói chung, bà Bình khẳng định, UBND phường thường xuyên gửi văn bản về các tổ dân phố nhắc nhở về nguy cơ đuối nước ở trẻ.
Đoàn thanh niên ở địa bàn phường cũng tổ chức nhiều khóa dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng chống tai nạn cho các cháu trước những dịp nghỉ hè...
“Ở bãi sông nơi tai nạn, hầu như toàn người dân, trẻ em các phường khác đến tắm. Phường Thịnh Lang, mọi người đều biết khu vực các nam sinh gặp nạn có xoáy nước. Khi xảy ra sự cố, lực lượng công an khu vực, làng vạn chài thuộc quản lý của phường nhanh chóng có mặt cứu các em nhưng không kịp", bà Bình nói.
Chính quyền xã vừa cắm biển cảnh báo tại khu vực 8 nam sinh gặp nạn.
Cũng theo bà Bình, từ trước đến giờ, trên địa bàn phường chưa có vụ đuối nước nào thương tâm như vụ việc lần này. "Đây thật sự là việc quá thương tâm. Tôi mong đây sẽ trở thành bài học, thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và chính quyền cần để ý nhiều hơn đến các cháu" - bà Bình nói.
Ngay trong đêm 21.3, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - đã đến viếng thăm và chia sẻ mất mát với 8 gia đình có con đuối nước.
Ông Nam cho biết, đây là bài học chung rất đau xót, không ai mong muốn. "Chúng tôi đã có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương, nhắc nhở gia đình, nhà trường hàng ngày phải giám sát các em, đồng thời cho các em tham gia các khóa tập bơi để tránh xảy ra các vụ việc đau lòng".
Theo Cường Ngô/Lao động