BGTV- Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo và không ít “hệ lụy” do sử dụng bóng cười xảy ra, tuy nhiên, tình trạng kinh doanh, buôn bán bóng cười công khai vẫn diễn ra trên địa bàn TP Bắc Giang.
Trước thực trạng một số thanh niên và học sinh đang có xu hướng sử dụng bóng cười (funkyball) làm thú vui và những hệ luỵ khó lường, cùng những vụ việc liên quan đến bóng cười xảy ra ngày càng nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh bóng cười. Tuy nhiên, theo khảo sát trên địa bàn TP Bắc Giang, muốn mua và sử dụng hiện tại không mấy khó khăn, muốn mua bao nhiêu cũng có và cũng được ship đến tận nơi người mua.
Nhiều quán cafe, karaoke trên địa bàn tỉnh Bắc Giang công khai bán và quảng cáo bóng cười tới khách hàng
Loại khí trong bóng cười là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide), thường được sử dụng trong y tế với mục đích gây mê không mất tri giác, ở nồng độ thấp, N2O sẽ kích hoạt trung tâm gây cười trong não. Khí này khi hít vào cơ thể sẽ tan vào máu, tác động đến thần kinh, gây cười... Hiện giá bóng cười trên thị trường Bắc Giang dao động từ 50 – 70.000 đồng/quả và trở thành “mốt” trong các cuộc ăn chơi từ café vỉa hè đến quán karaoke... Một số người khi sử dụng bóng cười thường không mấy quan tâm đến tác hại và hệ lụy mà bóng cười để lại, cảm giác “lâng lâng” “phê phê” và vui vẻ ngay khi sử dụng là những gì mà các bạn trẻ này cho biết.
“Em thì không thấy ảnh hưởng lắm, lần đầu chơi chỉ thấy hơi chóng mặt, nao nao một chút nhưng sau đấy lại thấy buồn cười, nói chuyện bạn bè cũng thấy vui vẻ và “xôm” hơn, cũng chỉ để xả stress nên em thấy hiện vẫn không có vẫn đề gì” – N.V. Nam (phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) kể lại lần đầu tiên sử dụng bóng cười của mình.
Sử dụng bóng cười gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tuy nhiên nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng đây là một thú chơi "sành điệu"
Thực tế chính vì nhận định cho rằng bóng cười “không gây nghiện”, “không phải ma túy” đã khiến nhiều bạn trẻ cho rằng “thú chơi” này không hề gây hại, tuy nhiên theo các bác sỹ tại Khoa hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết việc sử dụng thường xuyên khí N2O sẽ tác động trực tiếp tới sức khỏe và hệ thần kinh, có thể gây ra các rối loạn cảm giác, ảnh hưởng tới trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và làm hạ huyết áp; thiếu máu, nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim, gây ảo giác tương tự như ma túy tổng hợp cũng là tác hại của loại khí này... bên cạnh đó, khi sử dụng sẽ dễ bị phụ thuộc, dẫn tới tăng cao về mức độ sử dụng có thể gây hậu quả khó lường cho sức khỏe.
Thông tin từ Bộ Công an mới đây cho biết sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm song việc mua bán, sử dụng loại hoá chất này cho người là sai phạm vì việc đó trước tiên gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật, các hành vi, vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định 115/2016 và Nghị định số 163/2013 của Chính phủ.
Hệ lụy, ảnh hưởng cho sức khỏe từ việc sử dụng bóng cười thường xuyên có thể theo người dùng chúng cả đời
Cụ thể, tại Điều 10 Nghị định số 163/2013 quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh, hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định phạt tiền từ 12- 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực. Phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Thực tế hiện nay việc quản lý và xử phạt kinh doanh, buôn bán trao đổi “bóng cười” trên địa bàn tỉnh vẫn còn lỏng lẻo, trong khi hậu quả từ hình thức “giải trí độc hại” này đã thấy rõ, do đó rất cần các cơ quan chức năng “mạnh tay” hơn nữa trong việc kiểm soát và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh trái phép. Các bạn trẻ, tầng lớp thanh thiếu niên cần nâng cao nhận thức, hậu quả và mức độ nguy hại cho sức khỏe từ việc sử dụng bóng cười, không nên vì “một phút vui chơi, cả đời hối hận” ./.
Minh Anh