Hai cái tên mới đảm nhận vị trí thủ tướng và chủ tịch hội đồng nhân dân cho thấy rõ phương hướng chú trọng vào kinh tế của Kim Jong-un.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Tối cao khóa 14, Triều Tiên thông báo Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong-hae được phê chuẩn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, thay thế người tiền nhiệm là ông Kim Yong-nam. Thủ tướng Pak Pong-ju cũng được thay bởi Kim Jae-ryong, một trong những thành viên hàng đầu của đảng Lao động Triều Tiên.
Đúng như dự đoán, lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên, lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên đề cập tới ông với danh xưng "đại diện tối cao của toàn thể nhân dân" dù cách gọi trên đã được phê duyệt từ hồi tháng hai.
Giới phân tích nhận định sự thay đổi bộ máy lần này cho thấy Kim có thể đã nắm chắc toàn bộ quyền lực trong tay, 8 năm kể từ khi ông tiếp nhận vị trí lãnh đạo từ người cha quá cố.
"Quá trình chuyển giao và củng cố quyền lực của chính quyền Kim Jong-un đã hoàn tất", Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, bình luận. "Đây có lẽ là lần cải tổ chính phủ lớn nhất trong nhiều năm qua".
Từ đầu năm 2018, Kim Jong-un đã bắt tay vào nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và xây dựng vị thế của Triều Tiên trên trường quốc tế thông qua các hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong thông điệp chúc mừng lãnh đạo Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đề cao giá trị của tình hữu nghị với Triều Tiên và sẵn sàng thắt chặt mối quan hệ song phương.
Cựu chủ tịch Hội đồng Nhân dân Kim Yong-nam, sinh năm 1928, là một trong những quan chức cấp cao lâu năm nhất của Triều Tiên. Ông giữ chức này từ năm 1998 khi nó được lập ra dành riêng cho ông, theo Madden.
Choe Ryong-hae hồi năm 2015. Ảnh: AP.
Tân chủ tịch Choe Ryong-hae từng bị "cải tạo chính trị" nhưng những năm gần đây, ông dường như ngày càng gia tăng ảnh hưởng kể từ thời điểm được đề bạt vào Ủy ban Quân sự Trung ương quyền lực hồi tháng 10/2017, theo giới chức tình báo Hàn Quốc. Choe là một trong ba quan chức Triều Tiên bị Mỹ áp đặt trừng phạt hồi tháng 12 năm ngoái với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Về vị trị thủ tướng, ông Pak Pong-ju, giữ chức từ năm 2013, là quan chức có vai trò trung tâm trong những nỗ lực cải cách nền kinh tế Triều Tiên.
Lãnh đạo Kim Jong-un đã nêu phát triển kinh tế là trọng tâm trong chiến lược của mình và tuyên bố trước các quan chức rằng việc Triều Tiên xây dựng một nền kinh tế tự chủ sẽ là đòn giáng mạnh vào những "thế lực thù địch" đã áp đặt trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích tại NK News, trang web theo dõi mọi hoạt động ở Triều Tiên, Pak chịu trách nhiệm giám sát quá trình "cải cách triệt để" nền kinh tế để giúp đất nước sống sót trước các lệnh trừng phạt.
Một trong những biện pháp cải cách của ông là nới lỏng kiểm soát đối với những công ty nhà nước, cho phép họ hoạt động tự do hơn trên thị trường và tìm kiếm các nguồn đầu tư tư nhân. Biện pháp nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Kim Jong-un.
Sau khi rời chức thủ tướng, Pak giờ đây đảm nhận vai trò Phó chủ tịch đảng Lao động, đồng nghĩa những biện pháp cải cách ông theo đuổi vẫn được áp dụng, Hong Min, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, trụ sở ở Seoul, nhận định.
"Nó có nghĩa cải cách kinh tế kiểu Pak Pong-ju vẫn còn hiệu lực", ông nói.
Hiện có rất ít thông tin về tân Thủ tướng Triều Tiên Kim Jae-ryong, người từng giữ chức bí thư đảng ủy tỉnh Jagang, một khu vực miền núi sở hữu vài nhà máy sản xuất đạn. Jagang được biết đến là nơi có tinh thần vượt qua khó khăn, phù hợp với thông điệp bền bỉ chống trả trừng phạt của Kim Jong-un, Hong nhận xét.
Vũ Hoàng/VnExpress (Theo Reuters)