BGTV- Hiện nay thị trường lao động nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng, đối tượng lao động tự do (LĐTD) đang chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài khó khăn từ nguồn thu nhập bấp bênh, phụ thuộc thời vụ, đây còn là nhóm lao động tiềm ẩn nhiều nguy cơ lao động và bệnh nghề nghiệp. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách lao động nên thường chịu thiệt thòi khi không may xảy ra rủi ro trong quá trình làm việc.
Lao động tự do là nhóm đối tượng lao động yếu thế, chịu nhiều rủi ro
Cũng như nhiều LĐTD khác, anh Trần Văn Thiệu (xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang) làm nghề bốc vác thuê tại chợ hoa quả được gần 5 năm. Công việc nặng nhọc, làm việc cật lực, không kể giờ giấc, nắng mưa và tất nhiên cũng không có bảo hiểm để đề phòng khi ốm đau, bất trắc. Anh Thiệu cho biết: “Tôi bốc vác ngày ít thì 2-3 tấn, lúc cao điểm còn đến 6-7 tấn hàng, tiền công cũng đủ sống nhưng chắc chỉ lúc khỏe chứ về sau xuống sức cũng không biết làm gì, giờ tôi hay bị đau lưng, vai gáy, cũng biết là sức khỏe mình bị ảnh hưởng nhưng giờ không làm lấy gì nuôi con nên phải cố...”.
Thực tế, lực lượng LĐTD là đối tượng yếu thế, dễ để xảy ra tai nạn nhất do phần lớn phải làm việc với cường độ cao, môi trường độc hại nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về vệ sinh và đảm bảo an toàn lao động. Mặt khác, vì là LĐTD nên sẽ không được ký kết hợp đồng lao động, khi không may xảy ra tai nạn hoặc rủi ro thường sẽ không được đền bù thỏa đáng, không được hưởng bất cứ chế độ gì và có thể mất việc nếu không đủ sức khỏe, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cũng khó có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trong những trường hợp này.
Làm việc trong môi trường tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, không có phương tiện bảo hộ là tình trạng chung với nhiều LĐTD
Anh Lê Văn Cường (xã Tân Tiến, TP Bắc Giang) làm nghề thợ xây đã hơn 10 năm, làm đủ các công trình lớn nhỏ song vấn đề bảo hộ lao động với những lao động như anh Cường còn rất xa lạ. Thiếu thiết bị đảm bảo an toàn, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Làm nghề này thì cũng không ít trường hợp bị ngã giàn giáo, gạch ngói, sắt rơi vào người... nghĩ cũng sợ nhưng tiền kiếm cũng chỉ có thế, lại lúc được lúc không, có mua chắc cũng không đóng đủ được, cố gắng làm vài năm nữa tích cóp được ít vốn là tôi cũng về làm ruộng, giờ các cháu đang tuổi ăn tuổi học, chỉ trông vào mấy sào ruộng chắc không đủ sống” – Anh Cường cho biết.
Việc tham gia bảo hiểm với LĐTD còn khá "xa vời"
Hiện nay, Nhà nước ta mới có chính sách về tiền lương, an sinh xã hội cho nhóm lao động khu vực chính thức mà chưa có chính sách nào cho nhóm LĐTD, việc kiểm soát và quản lý cũng khó khả thi do địa bàn rộng, công việc của nhóm LĐTD có thể thay đổi thường xuyên, phụ thuộc thời vụ. Những năm gần đây, Chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân đẩy mạnh để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế lương hưu, tử tuất khi về già, tuy nhiên số LĐTD tham gia vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân phần lớn do hạn chế về năng lực, kiến thức và yếu kém về kinh tế là nguyên nhân chính khiến LĐTD chấp nhận “mạo hiểm” làm việc với mức thu nhập thấp, chấp nhận rủi ro tai nạn lao động và khả năng không được đền bù rất cao. Phần lớn họ không được hưởng quyền, nghĩa vụ lao động, quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ công ích... Mặt khác, do điều kiện về kinh tế của LĐTD còn nhiều khó khăn, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng bảo hiểm lại quá dài. Khi được hỏi về mong muốn tham gia đóng BHXH tự nguyện, BHYT để đề phòng khi rủi ro, tai nạn lao động, ốm đau và đảm bảo cuộc sống khi về già, phần lớn LĐTD đều tỏ ra không mấy “mặn mà”.
Cần có những chính sách "mở", hỗ trợ để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của những LĐTD
Thiếu kiến thức, hiểu biết chính sách pháp luật lao động, tiền lương dựa trên “thỏa thuận” nên LĐTD thường phải chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi trong quá trình làm việc. Luật An toàn vệ sinh lao động từ năm 2016 đã mở rộng quy định với những người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, gọi chung là lao động phi chính thức cũng phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn. Nhà nước sẽ khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí người lao được tham gia vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp để được bù đắp khi không may bị tai nạn lao động. Tuy nhiên, để các chính sách an sinh xã hội có thể thật sự hiệu quả với nhóm LĐTD không phải là điều đơn giản, và cũng cần hơn nữa những chính sách “mở” để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp LĐTD nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động. Bản thân những cá nhân LĐTD cần chú trọng hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của bản thân, yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động, thực hiện cam kết để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra./.
Quỳnh Nga - Minh Anh