BGTV- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, vẫn hoa đào đỏ, vẫn bánh chưng, trẻ em vẫn tíu tít diện quần áo mới, song giờ đây, dường như hương vị ngày Tết không còn đậm đà như trước, tuy nhiên đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thân quen, như một cuốn phim “quay ngược” lại thời gian trở về những mùa Tết xưa cũ...
Từ bao đời nay, trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt, Tết Nguyên đán đã trở thành một phần rất đỗi thiêng liêng, tựa như một mảnh hồn dân tộc hết sức đặc trưng trong kho tàng văn hóa truyền thống.
Những mảng màu của Tết, trong nhiều câu chuyện xưa nay, người ta thường gợi nhớ tới “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, song với nhiều người những ký ức về chợ tết như một miền hoài niệm thật khó quên.
“Đón xuân này ta nhớ xuân xưa…” - Tết trong tâm trí của nhiều người vẫn chứa đựng dư vị thân thương không thể phai nhạt.
Chợ tết đơn sơ mà giản tiện, từng lều sạp, gánh hàng rong tạm bợ và bày bán la liệt hàng hóa của những người nông dân chất phác, từ mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có khi lại là mấy cái rổ, cái rá tự đan bằng tre nứa..
Ngoảnh đi ngoảnh lại vài lần, một mùa xuân nữa đang về, và thế là người ta lại có dịp cùng nhau hoài niệm về những tết xưa với bao hương vị thật khó quên...
Không gian chợ Tết xưa gợi nhớ bài thơ tuyệt hay của cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ.
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”
Những hình ảnh thân quen gẫn gũi, nhưng với nhiều người, nhất là những người con xa xứ, đó lại là nỗi khắc khoải khôn nguôi...
Tuy nhiên, chợ tết, dù cũ hay mới, chợ trong ký ức tuổi thơ với nhiều người hay nhịp sống hiện đại hôm nay đều luôn mang một sắc thái, một dư vị rất riêng, rất đặc biệt.
Chợ Tết - đi để được ngược về và sống trong một không gian văn hóa truyền thống; để biết yêu quý và trân trọng hơn những giá trị tinh hoa trong phách hồn dân tộc, để cảm nhận rõ hơn hết hơi thở của cội nguồn vọng lại tự ngàn xa…
Minh Anh