BGTV- Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, tuy nhiên tình trạng công nhân tại các khu công nghiệp chạy băng qua tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang để đến nơi làm việc vẫn tồn tại.
Thực trạng vi phạm đáng báo động
Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có mật độ phương tiện lớn, tốc độ di chuyển tối đa của phương tiện ở đây là 100km/h chạy qua địa phận một số khu công nghiệp trên địa phận tỉnh Bắc Giang. Vào các buổi sáng và giờ tan tầm, số lượng phương tiện ra vào khu công nghiệp tăng cao, do đó tuyến đường gom dưới cao tốc thường xuyên ùn tắc khiến nhiều công nhân chọn cách chạy sang đường trên cao tốc để tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc, bất chấp vi phạm Luật Giao thông và nguy hiểm đến tính mạng. Thực trạng này tồn tại từ nhiều năm nay song hiện có chiều hướng gia tăng, trở này “điểm đen” giao thông với không ít tài xế.
Hành vi đi qua đường cao tốc là vi phạm giao thông, coi thường tính mạng của mình và người khác
Không ít tai nạn nghiêm trọng xảy ra, gần đây nhất là vụ va chạm giữa xe tải và công nhân khiến 3 người thương vong tại km 124 trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua Khu công nghiệp Vân Trung – Việt Yên. Nguy hiểm trực chờ, nhưng để tránh ùn tắc tại các tuyến đường gom dân sinh, cống chui để đến nơi làm việc nhanh chóng, nhiều công nhân vẫn coi chuyện “mạo hiểm” tính mạng để chạy qua đường cao tốc là “bất khả kháng”. Chị Vũ Thị Cúc (Khu CN Vân Trung – Bắc Giang) chia sẻ: “Chạy qua đường cũng sợ lắm, xe cộ thì vù vù nhưng đi làm buổi sáng qua đường gom bên dưới mất gần tiếng đồng hồ, chưa kể sáng nào cũng ùn tắc, trời mưa thì có chỗ còn ngập nên chúng tôi mới đánh liều chạy qua đây”.
Sử dụng ô dù khiến tầm nhìn bị che khuất, nhiều người không quan sát được xe chạy đến với tốc độ cao, nguy cơ tai nạn rất lớn
Thường xuyên di chuyển tại khu vực các khu công nghiệp, anh Vương Văn Tài làm lái xe tải tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên cho biết về những bất cập về giao thông tại khu vực các khu công nghiệp: “Cánh lái xe chúng tôi cũng hãi lắm khi đi trên đường cao tốc mà đột ngột có người sang đường nên thường phải đi cẩn thận khi qua những khu vực này, nhưng đường gom bên dưới thì bé, xuống cấp, ổ gà ổ voi ngập úng nhiều nên vào các buổi sáng hoặc chiều tối là lúc ùn tắc nhất, rất mong có giải pháp từ phía cơ quan chức năng”.
Cần nhiều giải pháp khẩn trương
Theo Điều 9, nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Việc người dân đi qua đường cao tốc là hành vi bất chấp Luật Giao thông và an toàn tính mạng của chính bản thân mình. Giải pháp cho tình trạng này được tỉnh đưa ra là tiến hành xây dựng hai cầu vượt dân sinh, tuy nhiên dự án này đến năm 2020 mới hoàn thành.
Do đó, để hạn chế thấp nhất tai nạn có thể xảy ra, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những người thiếu ý thức, coi thường tính mạng bản thân, tính mạng của người khác, đồng thời tổ chức tốt công tác chốt chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm soát không cho người điều khiển xe máy, xe thô sơ lên đường cao tốc để đảm bảo sự an toàn cho người và phương tiện chấp hành các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cũng cần tiến hành các giải pháp xây dựng, sửa chữa các tuyền đường gom, tiến hành điều tiết, phân luồng giao thông giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn, thanh niên tại các khu công nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của người lao động. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người dân, các công nhân tại các khu công nghiệp cần nâng cao ý thức vì sự an toàn của chính bản thân mình, tuyệt đối không chạy, đi bộ trên đường cao tốc, không để “nhanh vài giây, chậm cả đời”./.
Minh Anh