Tại Đà Nẵng, chuyện 2 người đàn ông dành tiền tiết kiệm xây nghĩa trang cho người chưa rõ danh tính khiến nhiều người nể phục.
Những ngày cuối năm cũng là thời điểm mọi gia đình lo sửa sang mồ mả, cúng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết cùng con cháu. Đây cũng là dịp mọi người quây quần bên nhau, tưởng nhớ người đã khuất với tấm lòng thành kính. Nhưng cũng không ít nấm mồ lạnh lẽo ngày xuân khi người thân không tìm ra tung tích, chưa xác định rõ danh tính.
Tại thành phố Đà Nẵng, chuyện 2 người già dành tiền tiết kiệm xây nghĩa trang và chăm lo hương khói cho những người chết không rõ tên tuổi, quê quán nổi lên như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Ngày cuối năm, trong căn nhà cấp 4 lợp tôn cũ kỹ của ông Lê Văn Định nhộn nhịp người vào ra. Ông Lê Văn Định, ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng kể, thời kỳ chống Pháp, gia đình ông Phan Công Hạnh (còn gọi là ông Hương Ba) cùng dân làng đưa những hài cốt chôn ở các bờ sông, hẻm đồng quy tập về một chỗ.
Tết đến xuân về, ông Lê Văn Định cùng những người lớn tuổi trong xóm làm mâm cơm cúng những ngôi mộ chưa rõ danh ở Gò Bá Xứ.
Theo thời gian, những nấm mộ này có nguy cơ bị xóa dấu vết. Ông Lê Văn Định đã dành khoản tiền tiết kiệm của mình, đồng thời viết thư ngỏ gửi từng nhà, từng người kêu gọi bà con chung tay, góp sức xây dựng nghĩa trang. Ông Định cũng tìm đến sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Và chưa đầy một tháng, những nấm mồ ở Gò Bá Xứ đã được xây mộ mới. Giờ đây, nghĩa trang với hơn 350 ngôi mộ thẳng hàng nằm san sát cạnh miếu Âm Linh từ thời ông Hương Ba xây dựng đã tu sửa lại. Những ngày cận Tết, ông Định cùng bà con xóm làng làm mâm cơm cúng cuối năm tại nghĩa trang này.
"Mình có chút lòng thành, góp mỗi người một ít thắp cho họ nén nhang để ấm lòng. Tới giao thừa, chúng tôi tới thắp hương và có lễ cúng đàng hoàng tại đó. Cầu cho bà con dân làng làm ăn mạnh khỏe. Mình nghĩ đây là việc làm theo lương tâm mình tự nguyện thôi", ông Định nói.
Ngày Tết, ông Định cùng những người lớn tuổi trong xóm thay phiên nhau thắp nén nhang sưởi ấm những phần mộ chưa rõ danh tính, cầu mong năm mới gia đình an yên, con cháu hòa thuận, dân làng ấm no.
Ông Trần Chước, người dân xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang thổ lộ, dù chẳng rõ những ngôi mộ này là của ai, quê quán nơi đâu nhưng dân làng vẫn chăm chút hương khói chu đáo: "Từ hồi giải phóng đến giờ, biết bao nhiêu đời chung sống, nhưng chưa làm được thủ tục này. Riêng chú Định huy động con cháu, người dân trong xóm đôn đốc kẻ ít người nhiều để lo hương khói cho người vô danh. Lễ Tết đầu năm cũng huy động con cháu, bà con trong xóm lo hương khói 3 ngày tết. Người vô danh không ai hương khói, thờ cúng nên năm nào chúng tôi làm việc đó. Đó là việc làm ý nghĩa và tình người".
Dịp lễ Tết, ông Nguyễn Xuân Thắng làm sạch các phần mộ của những người tứ cố vô thân.
Cũng giống ông Lê Văn Định, ông Nguyễn Xuân Thắng, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu đã dành khoản tiền dưỡng già của mình để mua đất, xây nghĩa trang cho người nghèo. Đây là khoản tiền của 2 vợ chồng ông dành dụm từ bấy lâu nay. Khi thấy nhiều người nghèo lúc chết không nơi chôn cất, vợ chồng ông bàn bạc hiến đất xây nơi yên nghỉ cho những trường hợp tứ cố vô thân. Ông Thắng còn lo hậu sự cho hàng trăm người hoàn cảnh khó khăn. Người dân nơi đây gọi ông Thắng bằng cái tên trìu mến "người đàn ông nghĩa hiệp" bởi ai khó khăn khi rời cõi tạm cũng đều được ông lo chu tất.
Gần 12 năm làm việc thiện, “người đàn ông nghĩa hiệp” này đã lo hậu sự chu đáo cho cả trăm người nghèo khó khi qua đời. Từ những người tứ xứ tha hương đến Đà Nẵng mưu sinh rồi qua đời trên mảnh đất này đến bà con xóm nghèo, gặp nạn sông nước, tai nạn giao thông bị tử vong đều được ông Thắng lo nơi chôn cất: "Mua miếng đất 275 mét vuông để dưỡng già không ngờ thấy họ khổ hơn mình nên cho họ hết. Nhiều người chết ngoài đường không có thân nhân, người chết trôi ngoài biển vậy. Dịp xuân này, những người mà tôi đã giúp từ trong Quảng Ngãi họ điện về cảm ơn tôi, gặp đâu vui mừng đó. Chúc mừng cho tôi có sức khoẻ để giúp đạo đời với người khác. Giúp đỡ cho họ là chính, đó là theo lương tâm của vợ chồng tôi".
Ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết: Ông Thắng còn hỗ trợ tiền tàu xe, gạo cơm cho gia đình gặp nạn, ủng hộ tiền mua xe lăn cho người khuyết tật, mua đất giúp người dưng hoàn cảnh khó khăn chôn cất người thân.
Ông Nguyễn Văn Thị cho rằng, nghĩa cử của ông Thắng thật đáng khâm phục: "Anh Thắng đã bỏ tiền bạc của anh ra mua đất cho người dưng xây nghĩa trang. Tôi thấy không có ai mà làm được việc này. Gương sáng của vợ chồng anh Thắng chúng tôi không thể quyên được. Xin cảm ơn và động viên anh mãi mãi còn khỏe mạnh tiếp tục làm việc nhân đạo giúp cho người nghèo".
Cuối năm nay, thành phố Đà Nẵng tổ chức đêm gala với chủ đề “Tôi Yêu Đà Nẵng”, tôn vinh các cá nhân, tập thể tiêu biểu. Ông Lê Văn Định và ông Nguyễn Xuân Thắng là 2 trong số 40 tấm gương sáng được tuyên dương.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: Những câu chuyện về lòng tốt của các tập thể, cá nhân này là những hành động đẹp và đầy ý nghĩa cao quý, cống hiến vào sự phát triển chung của thành phố bên bờ Sông Hàn. "Tôi rất vui mừng được gặp gỡ, chia sẻ và tôn vinh những công dân đại diện cho rất nhiều công dân tiêu biểu của thành phố. Đó là những người bình dị thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là lòng nhân hậu, khát khao được sống và chia sẻ với cuộc đời và mọi người về tình yêu giữa con người với con người", ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Thắng được Đà Nẵng tuyên dương cá nhân tiêu biểu của thành phố.
Nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái của 2 ông Lê Văn Định và Nguyễn Xuân Thắng đã thắp sáng ngọn lửa yêu thương, càng ấm hơn khi Tết đến xuân về./.
Theo Tuyết Lê/VOV-Miền Trung