BGTV- Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH; Chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chi; Chương trình giáo dục phổ thông mới … sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 02/2019.
Ảnh minh họa.
1. Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH từ 2019
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Từ ngày 01/01/2019, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh của các năm 2016; 2017; 2018 và 2019 lần lượt là 1,07; 1,04; 1,00 và 1,00. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2019, áp dụng từ ngày 01/01/2019.
2. Chi 200 triệu đồng để mua tin thuốc lá nhập lậu
Thuốc lá lậu bảo đảm chất lượng sẽ được đấu giá, tiền thu được sẽ chi cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá theo Thông tư 122/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.
Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ được chi cho các khoản sau:
- Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc;
- Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm;
- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
3. Chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip
Theo đó việc chuyển đổi có lộ trình và được bổ sung tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Lộ trình chuyển đổi được quy định như sau:
- Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
- Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/02/2019.
4. Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện theo Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính từ ngày 15/02/2019.
Chế độ này áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/04/2019, có một số điểm đặc biệt sau:
- Về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
- Về Sổ kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp. Nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư này;
- Về phương pháp kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập…
5. Quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên
Từ ngày 08/02/2019, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ chính thức có hiệu lực.
Thông tư này quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên như sau:
- Đối với giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III: Tập sự 12 tháng. Trước đây giáo viên THPT chỉ cần tập sự 09 tháng.
- Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III: Tập sự 09 tháng
- Đối với giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV: Tập sự 06 tháng.
6. Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Đáng chú ý, có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học, điển hình như:
- Cấp tiểu học: Có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…
- Cấp trung học cơ sở: Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới.
- Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.
7. Bổ sung nhiều nhà tù để xác nhận người hoạt động cách mạng
Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH đã thay đổi Danh mục nhà tù và những nơi bị coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đầy.
Danh mục mới bổ sung loạt nhà tù và những nơi được coi là nhà tù, như:
- Tại tỉnh An Giang, có thêm tiểu khu Long Xuyên, tiểu khu Châu Đốc, chỉ khu quận An Phú, chỉ khu quận Tân Châu, chỉ khu quận Chợ Mới, chủ khu Huệ Đức…
- Tại tỉnh Bắc Giang, có thêm đồn Con Voi xã Trung Sơn, huyện Việt Yên; Bốt Kim Sa xã Đan Hội, huyện Lục Nam…
Ngoài ra, Thông tư còn nêu cụ thể thời gian tồn tại của các nhà tù nói trên.
Thông tư này được ban hành ngày 08/01/2019, có hiệu lực từ ngày 21/02/2019.
8. Bộ trưởng được đi xe công giá đến 1,1 tỷ đồng
Ngày 11/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước.
Trong đó, Nghị định nêu rõ:
- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 01 ô tô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá;
- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng 01 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác;
- Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.
Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.
9. Kiểm lâm bị thương được hưởng chính sách như thương binh
Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, tuần tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.
Ngoài ra, còn nhiều quy định về vay vốn đầu tư ra nước ngoài; Trình tự kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu; Công trình điện gió phải xa khu dân cư ít nhất 300m… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 02/2019.
BGTV (Tổng hợp)