Cơ sở sản xuất rượu vang được cấp phép sai thẩm quyền, 5 năm liền bị phạt vì nhiều lỗi vi phạm khác nhau nhưng chỉ đến khi báo chí vào cuộc phản ánh mới bị dừng hoạt động. Có hay không chuyện "bảo kê" cho hoạt động sai phạm?
Rượu sản xuất siêu tốc, xuất đi khắp các tỉnh miền Bắc.
Rượu siêu tốc đảm bảo chất lượng?
Video: Video-Ruou-Chinh-Thu.mp4
Quy trình sản xuất rượu siêu tốc.
Mới đây, Báo Lao Động đăng tải phóng sự: Cận cảnh kỹ nghệ sản xuất rượu vang siêu tốc, giá chỉ ngang nước lọc, mô tả lại quy trình sản xuất rượu với nhiều dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở nằm trên địa bàn phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Hoa làm chủ.
Mã vạch của sản phẩm sản xuất tại cơ sở này cũng được xác định là giả mạo, khi sử dụng mã vạch của một cơ sở sản xuất nước giải khát tại... quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội).
Ngay sau khi báo Lao Động đăng tải phóng sự, UBND quận Hà Động đã tổ chức cuộc họp cùng các Sở: Công Thương, Y tế, Tài nguyên môi trường và Cục quản lý thị trường Hà Nội. Cuộc họp đưa ra kết luận: Phòng kinh tế quận Hà Đông đã cấp phép sai thẩm quyền theo quy định của pháp luật cho cơ sở sản xuất trên, đồng thời buộc thu hồi giấy phép này. Các sản phẩm rượu tại cơ sở này cũng đã bị cấm lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đem các mẫu rượu tại cơ sở của bà Hoa đi kiểm nghiệm và đưa ra thông báo: Các mẫu rượu trên... không tồn tại chất cấm.
Có "bảo kê"?
Sau khi xem phóng sự của Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội - thốt lên: "Quá kinh khủng, tại sao người ta lại có thể sản xuất rượu với quy trình như vậy?".
"Không tồn tại chất cấm không có nghĩa là những sản phẩm rượu này đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", bà An khẳng định.
Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội cũng cho biết, cần phải làm rõ quy trình lấy mẫu, kiểm nghiệm chất lượng rượu của Cục Quản lý thị trường Hà Nội xem đã đúng với quy định hay chưa.
"Nếu sử dụng các sản phẩm rượu làm từ chất tạo màu và cồn sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc rượu. Cơ quan chức năng cần đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ cho người dân về vấn đề này", Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội cho hay.
Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - tỏ ra bức xúc và đặt ra nghi vấn có sự bảo kê, tiếp tay của chính các cơ quan chức năng.
"Tôi có đọc trên báo Lao Động thông tin rằng cơ sở sản xuất rượu này 5 năm liền bị xử phạt về nhiều lỗi khác nhau, tức đã nhiều lần tái phạm nhưng phải đến khi báo chí vào cuộc phản ánh thì cơ sở này mới bị cấm sản xuất, lưu thông rượu. Có hay không sự "bảo kê", tiếp tay cho sai phạm?", vị đại biểu nói.
Bên cạnh đó, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cần phải có hình thức xử lý đối Phòng kinh tế quận Hà Đông khi cấp phép không đúng thẩm quyền theo quy định cho cơ sở sản xuất rượu này dẫn đến việc mỗi ngày hàng trăm lít rượu siêu tốc được sản xuất và tuồn ra thị trường.
"Sự thờ ơ, thiếu sâu sát của các cơ quan chức năng là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng nhức nhối trong những ngày lễ, Tết gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định.
Theo Báo Lao động Online