Việc Bộ Công an bỏ 6 tổng cục được ghi nhận như một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy trong năm 2018.
Nghị quyết 18 TƯ 6, khoá 12 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” ra đời chưa được 1 năm, Bộ Công an đã nhanh chóng thực hiện bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, sáp nhập 20 sở cảnh sát PCCC.
Bộ bỏ 6 tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục 1), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2), Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục 4), Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8).
6 Trung tướng không còn giữ chức Tổng cục trưởng, các chức danh Tổng cục phó được sắp xếp lại theo hướng "có những lãnh đạo tổng cục làm cục trưởng” như lời người phát ngôn của Bộ, Thiếu tướng Lương Tam Quang.
Đồng thời, Bộ Công an còn sáp nhập 20 sở cảnh sát PCCC vào công an tỉnh, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 01, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh đến việc xây dựng tổ chức bộ máy tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu lực hiệu quả, tăng cường cho cơ sở, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng các cục trực thuộc Bộ.
“Việc triển khai thực hiện Đề án 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' là phù hợp với các chủ trương, nghị quyết về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của CAND”, Bộ trưởng Tô Lâm Khẳng định.
Tại một hội nghị của Bộ Công an vào giữa năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng bộ Công an TƯ là một trong những đảng bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị TƯ 6, 7 khóa 12, sớm nghiên cứu, xây dựng, thực hiện đề án 106 'Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' một cách bài bản, khoa học, thận trọng, khách quan, bước đầu đạt được những kết quả cụ thể, quan trọng.
Tại hội nghị triển khai Nghị định 01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Bộ Công an là một trong những bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện nghị quyết TƯ 6 và 7 khóa 12”.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận định việc làm của Bộ Công an chính là bài học kinh nghiệm cho thấy trong thực tế việc dù khó cũng làm được. Từ đó, các địa phương cũng mạnh dạn trong việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
“Qua đó cho thấy khí thế của việc thực hiện nghị quyết TƯ 6 đã lan toả và đi sâu vào tiềm thức của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bộ máy hành chính, bộ máy chính trị và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đức Hà nhận xét, việc bỏ cấp tổng cục vừa qua cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Công an trong thực hiện nghị quyết TƯ 6.
“Chỗ được xem là khó và nhạy cảm như thế đã làm được thì những cơ quan khác, bộ ngành, địa phương khác không có cớ gì để nói không làm được”, ông Hà nhấn mạnh.
Việc Bộ Công an mạnh dạn tinh gọn bộ máy được Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt ghi nhận: “Bỏ 6 tổng cục mà vẫn rất êm. Cả một bộ máy lớn, đụng đến hàng nghìn cán bộ nhưng vẫn ổn thoả, êm thấm. Đây là bài học quý trong công tác tổ chức cán bộ. Nếu bộ ngành nào cũng làm mạnh mà ổn như Công an thì đất nước này sẽ tốt lên”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận định: “Bộ Công an là bộ tiên phong, gương mẫu đi đầu”.
Theo VietNamNet (Thiết kế: Diễm Anh)