Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ khi được nêu ra ở bất cứ đâu cũng tạo ra bầu không khí nóng trao đổi và tranh luận.
Taxi truyền thống với taxi công nghệ - cuộc chiến không dễ dàng phân định hồi kết. Không chỉ là vấn đề cạnh tranh, taxi truyền thống với taxi công nghệ còn bước tới cuộc chiến pháp lý, với vụ kiện tụng dai dẳng giữa Vinasun và Grab.
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. (Ảnh minh họa: KT)
Chủ đề này khi nêu ra ở bất cứ đâu cũng tạo ra bầu không khí nóng khi trao đổi và tranh luận. Phía taxi công nghệ và những người ủng hộ, thì khẳng định đây là loại hình kinh doanh của kỷ nguyên số, bắt kịp với phát triển công nghệ hiện đại, tạo ra thuận lợi và lợi ích tối ưu cho hành khách. Đây cũng là loại hình phát triển kinh tế doanh nghiệp, đóng góp cho phát kinh tế-xã hội.
Trong khi, nhiều hãng taxi truyền thống lại cho rằng, cùng hoạt động kinh doanh vận tải, cùng phục vụ một đối tượng khách hàng, nhưng chính mức nộp thuế có sự chênh lệch lớn đã khiến cuộc cạnh tranh này không công bằng. Mức nộp thuế thấp là lợi thế để Grab và Uber có thể đưa ra những chương trình khuyến mại khủng để thu hút khách hàng.
Câu chuyện vẫn đang bàn qua cãi lại như vậy trên các mặt báo thời gian vừa qua, từ giữa các nhà làm luật với giới chuyên gia, đến giữa các doanh nghiệp vận tải với các nhà quản lý… Mắc kẹt giữa cuộc chiến này, có lẽ những người lao động - các tài xế là người chịu thiệt nhất?
Tại cuộc tọa đàm “Nhận diện “Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ” do báo Lao động tổ chức mới đây, một khách hàng sử dụng dịch vụ Grab đã chia sẻ câu chuyện người thân của mình bị tài xế hành hung. Câu chuyện nhận được sự cảm thông của đông đảo mọi người. Dường như những mũi dùi chỉ trích đổ về người lái xe - người làm dịch vụ, vốn luôn phải hết mình vì “khách hàng là thượng đế”.
Trước tiên gửi lời chia sẻ tới vị khách gặp tình huống khó chịu khi dùng Grab, tài xế Nguyễn Thế Thiện (người từng làm cho Grab) cho biết, người tài xế vận tải lĩnh vực nào thì đối xử với khách hàng đều phụ thuộc trình độ văn hóa của họ.
Câu nói này khiến ai cũng phải thấm thía, vì rõ ràng không phải người tài xế nào cũng hành xử như vậy. Thực tế, ở bất cứ lĩnh vực dịch vụ nào cũng từng xảy ra các vụ việc đáng tiếc trong cách hành xử của người làm dịch vụ với những “thượng đế” của mình.
Khách hàng luôn là trung tâm, song câu chuyện này có lẽ ít khi được nhìn từ hai phía, được nghe bằng hai tai. Luôn có quan niệm rằng khách hàng phản hồi không tốt thì cái sai nằm ở phía cung cấp dịch vụ. Trong dịch vụ taxi, vẫn đầy rẫy những vụ việc tài xế bị khách hàng hành hung, bị cướp và thậm chí là mất mạng…
Luật sư Trương Anh Tú (thứ hai từ phải qua) tham gia tọa đàm “Nhận diện “Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”.
Trong cuộc chiến giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ, lợi ích tối ưu cho hành khách vẫn luôn là cái cớ để các bên bảo vệ hoạt động của mình. Vậy còn quyền lợi của người lao động, cụ thể là những người lái xe cho cả taxi truyền thống và taxi công nghệ sao thì sao?
“Chúng tôi phải viết cam kết trở thành tài xế của Grab trong đó có cả lý lịch tư pháp, nhân thân của mình, các điều kiện để có thể trở thành người cầm vô lăng. Nhưng ít người hiểu được có bao nhiêu phần trăm tài xế đang mang nợ vì phải vay mượn để mua xe”, tài xế Thiện chia sẻ.
Theo tài xế Thiện, anh bị khóa tài khoản Grab vì từ chối những “cuốc xe” mà anh cảm thấy là “không an toàn”. Chỉ cần một số khách hàng lên mạng xã hội phản ánh xấu, là người tài xế sẵn sàng bị “block”.
“Tôi cũng nhấn mạnh việc tài xế phải có quyền được từ chối nếu không thuận tiện để nhận chuyến”, tài xế Hưng cũng từng làm việc cho Grab chia sẻ.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú khẳng định quan điểm bảo vệ người tài xế là những người lao động: “Luật Lao động đã quy định rõ người lao động cho doanh nghiệp 3 tháng trở lên phải đóng BHXH. Tuy nhiên, Grab cho rằng chỉ là đơn vị chỉ kết nối giữa người mua và người bán nên không thể nộp BHXH cho tài xế. Tuy nhiên, nếu định danh Grab là người bán dịch vụ vận tải hành khách. Hành khách là người mua dịch vụ của Grab và đưa ra cung đường, giá, điều tài xế đến đón khách thì người lao động (tài xế) nhất định phải được đóng BHXH…”
Thực tế, tồn tại lớn trong quản lý và điều hành, nhất là lỗ hổng trong các quy định của pháp luật nếu không kịp thời sửa đổi bổ sung sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lách luật cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ trật tự vận tải, gây áp lực với hạ tầng, môi trường trốn tránh nộp thuế cho Nhà nước, thiếu trách nhiệm với khách hàng và xã hội, đặc biệt sẽ gây mất trật tự an toàn giao thông. Đây là một thực tế rõ ràng ai cũng biết, nhưng để tìm câu lời giải để gỡ từng nút thắt của vấn đề lại không hề dễ dàng…
Nhiều ý kiến cho rằng, taxi truyền thống áp dụng công nghệ để bắt kịp xu hướng. Theo luật sư Trương Anh Tú, taxi công nghệ hưởng ưu đãi thuế về phát triển khoa học công nghệ, do đó taxi truyền thống cũng có thể áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động để hưởng ưu đãi thuế…
Nhưng vấn đề lại đặt ra là, taxi truyền thống biến thành taxi công nghệ thì quản lý sẽ thế nào? Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, bà Maki, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Willer (tập đoàn vận tải lớn tại Nhật Bản) cho biết, tại Nhật chưa có Grab, nhưng có Uber và khi hoạt động Uber phải liên kết với các hãng taxi tại Nhật.
Trong khi cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ, đã có thêm vài hãng taxi công nghệ mới xuất hiện. Phía taxi truyền thống thì theo đuổi chiến lược sáp nhập và đưa công nghệ vào ứng dụng để phục vụ và kết nối khách hàng tốt hơn… Vậy với những tài xế, họ có được đảm bảo quyền lợi hơn?./.
Theo Lê Hoàng/VOV.VN