Anh Bình đã đi bắt chó thả rông từ những năm 1999 ở Đồng Xoài, Bình Phước. Hơn 10 năm ra Hà Nội sinh sống, anh lại tiếp tục công việc này.
Tổ bắt chó thả rông xuất phát từ 5h30 sáng. Ảnh: Thành Trung
Chó cũng có huyệt
Tờ mờ sáng, 6 người đàn ông trong tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội đã lên đường.
Những chiếc vợt lưới chắc chắn có thể bắt được chó tới 50kg. Ảnh: Thành Trung
Trên những chiếc xe máy, họ xách theo 3 cây vợt và một chiếc lồng lớn đổ vào những con hẻm nhỏ gần hồ Hạ Đình, khi chỉ lác đác vài người đi tập thể dục sớm.
Sau khoảng 20 phút đi lòng vòng, tổ phát hiện thấy có 3 con chó thả rông trong ngách 34, ngõ 250 đường Nguyễn Xiển, thế là quây.
Anh Bình bắt gọn một con chó sáng nay 30.11. Ảnh: Thành Trung
Nhanh như cắt, anh Phạm Văn Bình, 48 tuổi, thành viên tổ bắt chó đã túm gọn 2 con.
Vừa giữ 2 con chó mới bắt được, anh Bình nói, “chó cũng có huyệt như người, phải bắt sao cho chó không quay lại cắn được mình”.
2 con chó thả rông anh Bình bắt được sáng nay. Ảnh: Thành Trung
Người đàn ông nhỏ thó, cao chừng 1m60, da đen xạm này đã tham gia bắt chó thả rông ở Đồng Xoài, Bình Phước từ những năm 1999 - 2000.
“Gần 20 năm đi bắt chó trên những con đường ở Bình Phước, có ngày bắt được cả tấn, có con nặng tới 40kg”, anh Bình kể.
Cũng theo người đàn ông này, bắt chó không phải dễ, cần thao tác nhanh, quan trọng hơn là phải “không sợ chó” thì mới làm được công việc này.
Anh Bình cho biết từng nhiều lần bị chó cắn vào đùi. Ảnh: Thành Trung
Vừa giữ “chiến lợi phẩm”, anh vừa giơ đùi lên chỉ cho phóng viên biết đã có nhiều lần bị chó cắn, nhưng “tất cả thành viên trong tổ đã được tiêm phòng và huấn luyện”... “Cho nên, tổ hoạt động từ hè năm ngoái tới nay, có ai bị gì đâu”, anh Bình nói.
Hầu như ngày nào cũng bắt được chó
Theo một thành viên khác của tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông của phường Hạ Đình, mỗi tuần tổ sẽ đi bắt chó một lần và hầu như lần nào đi cũng bắt được.
3 con chó thả rông bị bắt sáng nay được cho vào lồng đem về phường giữ chờ người tới nhận. Ảnh: Thành Trung
Như những lần trước, 3 con chó bắt được sẽ được chuyển về phường. Từng con sẽ được thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phường trong 48 tiếng về đặc điểm nhận dạng để chủ chó tới nhận.
Bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm thú y quận Thanh Xuân cho biết, chó bắt về sẽ tạm thời giữ ở phường, nếu sau 48 tiếng không có người nhận thì được tiêm phòng và chuyển sang Trung tâm bảo vệ động vật ở Sóc Sơn hoặc một trung tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chó thả rông bắt được sẽ được nhốt tạm tại phường chờ người tới nhận. Ảnh: Thành Trung
Khi chủ chó tới nhận sẽ phải đem theo CNMD và giấy tiêm phòng của chó, nếu chưa tiêm phòng, phường sẽ tiêm với mức phí rất rẻ, chưa tới 20.000 đồng, việc tiêm phòng được thực hiện định kỳ hàng tháng hoặc ngày nào cũng có thể tới tiêm cho chó.
“Tuy nhiên, mức phạt cho hành vi thả rông chó không rọ mõm là khoảng 600 đến 800 nghìn đồng”, bà Hương nói và cho biết thêm, đây chủ chủ yếu là để tuyên truyền người dân không thả rông chó, chó thả ra rọ mõm.
Nằm trong kế hoạch phòng chống bệnh dại, mới đây UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y Hà Nội.
Lãnh đạo Cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện đang tham khảo mô hình của TPHCM để áp dụng sao cho phù hợp với Hà Nội.
Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên. Quy định này cũng nêu rõ chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ. |
Theo Thành Trung/Báo Lao động