Cầu "vĩnh biệt" là tên mà người dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) đặt cho cây cầu Máng bắc qua sông Trường Giang, bởi chỉ trong 5 năm có 16 người đã bỏ mạng khi qua đây.
Cầu Máng nối 2 xã Tam Tiến và Tam Xuân 2 được xây dựng từ năm 1985. Cầu bắc qua sông Trường Giang, dài gần 300m, ban đầu là đường dẫn nước phục vụ cho 30ha lúa bãi vẹt xã Tam Tiến.
Chiều ngang của cây cầu chỉ 0,8m, đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Nhưng do sông Trường Giang ngăn cách xã Tam Tiến với trung tâm huyện trong khi giao thông khó khăn nên người dân liều mình qua lại trên cầu này hàng ngày.
Cầu Máng nối 2 xã Tam Tiến và Tam Xuân 2
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại cầu Máng. Do cầu hẹp, 2 xe ngược chiều không thể tránh nhau nên muốn qua cầu phải quan sát trước đầu cầu bên kia. Vì sợ rớt xuống sông, nhiều phụ nữ và học sinh chọn cách dắt xe qua cầu.
Với hơn 30 năm tồn tại, nhiều bộ phận của cầu xuống cấp trầm trọng, những mảng bê tông đã bị hư hỏng, bong tróc... Nhiều mố trụ bảo vệ hư hỏng được tu bổ bằng cách trám xi-măng kết hợp với những phách gỗ tạm bợ.
“Trước đây cầu không có hệ thống dây cáp bảo vệ, nhiều người đã chết khi qua cầu nên chính quyền địa phương đã làm hệ thống dây cáp 2 bên cầu. Nhưng hệ thống cáp quá thưa nên vẫn có người chạy xe máy lọt giữa 2 dây cáp rơi xuống sông. Người dân chúng tôi gọi đây là cầu ‘vĩnh biệt’ ...”, ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1968, trú xã Tam Tiến) cho hay.
Ông kể, nếu không liều mình qua cầu "vĩnh biệt" thì người dân muốn qua xã Tam Xuân hay trung tâm huyện phải chạy đường vòng lên TP Tam Kỳ, cả đi về cũng mất 10km.
Cầu bắc qua sông Trường Giang dài 300m với chiều ngang chỉ 0,8m
Dắt con trai học lớp 5 qua cầu, chị Phan Thị Thanh Bông (SN 1974, trú xã Tam Tiến) nói thêm về tên “vĩnh biệt”, xuất phát từ cái chết thương tâm của đôi vợ chồng sắp cưới.
Theo chị Bông, tháng 9/2009, đôi bạn trẻ này qua cầu để gửi thiệp mời đám cưới, gặp mưa to, gió lốc nên hất văng cô gái xuống sông. Thấy vậy, anh thanh niên lao xuống cứu, cuối cùng cả hai đều tử vong.
“Sau cái chết của đôi vợ chồng sắp cưới 1 tháng, vợ anh Ba Đạo, nhà sát chân cầu tử vong. Khu vực này cũng xảy ra vụ lật thuyền thương tâm làm 6 người chết nên người dân gọi là cầu vĩnh biệt”, chị Bông cho hay.
Có hàng trăm người dân qua cầu mỗi ngày
5 năm, 16 người bỏ mạng khi qua cầu
Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, cầu Máng chỉ dành cho người đi bộ nhưng vì qua cầu là lối đi gần nhất để sang xã Tam Xuân nên nhiều người dân đã quen đi máy. Địa phương đã nhiều lần vận động, khuyến khích người dân đi vòng lên Tam Kỳ chứ không đi qua cầu Máng vì rất nguy hiểm.
Từ năm 2009 đến 2014, đã có 16 người tử vong khi đi qua đây.
Dắt xe khi qua cầu
Theo ông Giúp, trước sự an toàn của người dân khi qua cầu, cách đây mấy năm, công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam đã đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng trụ và kéo dây cáp hai bên thành để bảo đảm an toàn cho người dân qua cầu.
“Tỉnh Quảng Nam đã bố trí dự án xây dựng cầu và đường mới gần cầu Máng để tạo lối đi an toàn cho người dân nên mấy năm gần đây tình trạng người tử vong khi qua cầu không còn. Tuy nhiên, việc đi lại qua cầu vẫn nguy hiểm”, ông Giúp cho biết thêm.
Công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng trụ và kéo dây cáp 2 bên thành, nhưng do dây thưa và nhỏ nên cầu vẫn rất yếu
Nhiều bộ phận cầu bị xuống cấp trầm trọng
Do cây cầu hẹp, 2 xe ngược chiều không thể tránh nhau nên muốn qua cầu, người dân phải nhường nhau
Không dám để con trai đi một mình, chị Phan Thị Thanh Bông hằng ngày phải dẫn con học lớp 5 qua cầu
Theo Lê Bằng/VietNamNet