Ngày 25/11, bão số 9 đã đổ bộ vào khu vực từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Bến Tre với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi sâu vào đất liền theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.
Cây xanh đổ ngã đè lên một xe máy đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn đi qua xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, khiến người điều khiển xe bị thương nặng và tử vong ngay sau đó. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương, thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra tính đến 6 giờ ngày 26/11 làm một người chết (do cây đổ đè chết tại Thành phố Hồ Chí Minh); 51 nhà bị sập đổ hư hỏng; 46 tàu, thuyền và 99 lồng bè bị chìm, hỏng; 718ha lúa và 380ha hoa màu bị ngập; hai vị trí đường sắt bị sự cố (Ninh Thuận); 1.500m đường quốc lộ bị ngập (Bình Dương); 170m đường tỉnh và 2.663m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng; 119 cây xanh bị gãy đổ (Bà Rịa-Vũng Tàu 101 cây, Thành phố Hồ Chí Minh 17 cây, Bình Dương 1 cây).
Để tiếp tục ứng phó với mưa lũ sau bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tập trung duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổng hợp, đánh giá thiệt hại và triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo xử lý các sự cố, khôi phục giao thông đường bộ, đường sắt bị ảnh hưởng. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc ở hạ du các hồ, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn khu vực hạ du các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; đảm bảo việc trực 24/24 giờ tại các hồ xung yếu; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và chủ hồ thực hiện các biện pháp ứng phó, sẵn sàng phương án điều tiết phù hợp với tình hình thực tế.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tiếp tục duy trì phát sóng các chương trình hướng dẫn, phổ biến kiến thức hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với mưa lũ sau bão; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai./.
Theo Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)