Đài khí tượng của Việt Nam và quốc tế đều cho rằng áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và ngày 24/11 đổ bộ vào Nam Trung Bộ.
Sớm 22/11 áp thấp nhiệt đới từ khu vực miền Trung Philippines đã đi vào biển Đông. Lúc 11h, áp thấp cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) khoảng 200 km, sức gió tối đa 60 km/giờ (cấp 7).
Dự báp hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: NCHMF.
Các đài khí tượng của Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong cho rằng hôm nay bão theo hướng Tây, có khả năng mạnh lên thành bão. Đến sáng mai 23/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 100 km về phía Tây, sức gió tối đa 90 km/giờ (cấp 9).
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Văn Cường cho hay, cơ quan khí tượng Việt Nam cùng chung nhận định về hướng đi, dự báo khu vực đổ bộ với các đài quốc tế. "Khả năng đến sáng 24/11 bão sẽ cập bờ Nam Trung Bộ, đạt cấp 9-10, giật cấp 12", ông Cường nói.
Ông Cường nhận định bão có đường đi, thời điểm xuất hiện gần giống bão số 12 Damrey năm 2017 (làm hơn 40 người chết), nhưng lượng mưa sẽ lớn hơn, vùng ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10 lâu và rộng hơn. Lượng mưa dự kiến trong ba ngày (từ 24 đến hết 26/11) có nơi lên đến 500-600 mm.
Các tỉnh lên kế hoạch ứng phó
Khu vực bão dự kiến đổ bộ là đô thị dân cư đông đúc, kinh tế phát triển và có nhiều du khách quốc tế. Tại cuộc họp sáng 22/11, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị chính quyền địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng cần cảnh báo đến người dân và du khách không hiếu kỳ ra xem bão.
TP Nha Trang (Khánh Hoà) bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão Toraji. Ảnh: Xuân Ngọc
Vừa trở về từ khu vực thiệt hại nặng do hoàn lưu bão Toraji, Thứ trưởng Nông nghiệp, Phó ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng cho rằng, cơn bão sắp tới sẽ rất khó dự báo do tương tác với gió mùa từ Bắc Bộ tràn xuống. "Chúng ta không được chủ quan. Hai bài học kinh nghiệm là bão Damrey tháng 12/2017 và hoàn lưu sau bão Toraji vừa qua gây thiệt hại nặng nề", Thứ trưởng Thắng cảnh báo.
Là tỉnh vừa chịu thiệt hại nặng do hoàn lưu bão số 8 Toraji, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thông tin, lượng mưa kỷ lục (300 mm trong sáu tiếng) đã gây sạt lở, lũ quét làm 19 người chết, 28 người bị thương... "Tỉnh đã chủ động ứng phó bão nhưng do diễn biến phức tạp, chưa bao giờ xảy ra như vậy nên ứng phó có phần hạn chế, bị động", ông Vinh thừa nhận. Hiện tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão Toraji, đồng thời thực hiện các biện pháp ứng phó cơn bão sắp tới để hạn chế thiệt hại.
Đại diện TP HCM cho hay, chiều 21/11 thành phố đã họp lên phương án ứng phón. Nhiều quận, huyện đã có phương án di dời dân khỏi nơi xung yếu, chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm cần thiết. Trong đó, UBND huyện Cần Giờ đã lên kế hoạch chằng chống nhà cửa, di dời dân tại chỗ khỏi các vị trí xung yếu. Nếu bão vào, huyện Cần Giờ di dời khoảng 4.000 người; trường hợp áp thấp gần 2.000 người.
Nhắc nhở các đơn vị liên quan không được chủ quan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu hướng di chuyển bão đúng dự báo sẽ đi thẳng vào Nam Trung Bộ. Bão vào gần bờ sẽ mạnh lên, cộng với sự tương tác của các hình thái thời tiết khác như gió mùa, triều cường nên rất nguy hiểm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cử đoàn vào vùng dự báo bão đổ bộ để tổ chức phương án đối phó; đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền, công trình; không để người dân nào trên biển, lồng bè khi bão vào.
"Phải chủ động rà soát, kiểm tra tất cả hồ, đập để có phương án ứng phó. Quan trọng nhất là phải vận hành một cách phù hợp nhất, vừa đảm bảo an toàn cho hồ đập, cho hạ du, vừa giữ được nước cho mùa khô", Phó thủ tướng nói.
Theo Võ Hải/VnExpress