“5 năm qua, chúng tôi tự bỏ tiền để nghiên cứu, thúc đẩy việc cải thiện chất lượng nhà vệ sinh và sau này cũng vậy! Hiệp hội được thành lập và hoạt động dựa trên sự tham gia, hỗ trợ bằng cơ chế xã hội hóa, chứ chúng tôi không hề lấy ngân sách nhà nước”, ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh VN chia sẻ trước những ý kiến trái chiều liên quan đến việc thành lập Hiệp hội cũng như tên gọi, cơ chế hoạt động của Hiệp hội.
Nhà vệ sinh miễn phí do thành viên Hiệp hội xây dựng tại chùa Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Theo ông Lê Văn Hiệp, Hiệp hội được thành lập và hoạt động dựa trên sự tham gia, hỗ trợ bằng cơ chế xã hội hóa, hoạt động trên phạm vi cả nước, bao gồm các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực môi trường, sản xuất, chế tạo nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh, cải tạo và nâng cao chất lượng nhà vệ sinh. Hiệp hội có gần 100 thành viên là doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước tham gia và không sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động.
“Hiệp hội Nhà vệ sinh VN không sử dụng ngân sách để hoạt động“, ông Lê Văn Hiệp chia sẻ
Trước khi thành lập Hiệp hội, ông Lê Văn Hiệp và cộng sự đã có nhiều hoạt động thúc đẩy việc cải thiện chất lượng nhà vệ sinh ở VN
Ông Lê Văn Hiệp là đại diện của Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organization) tại Việt Nam. Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 19.11 hằng năm là Ngày Toilet thế giới. Từ nhiều năm nay, Tổ chức World Toilet tại Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao ý thức cộng động về vấn đề nhà vệ sinh, cụ thể là tổ chức “Cuộc chạy khẩn cấp” hàng năm thu hút hàng chục ngàn người và các tổ chức, đại diện cơ quan, chính quyền tham gia…
Người dân sử dụng nhà vệ sinh miễn phí tại chùa Bà Thiên Hậu
Hiện nay, thành viên Hiệp hội đã nghiên cứu và phát triển nhà vệ sinh thông minh, xây dựng nhà vệ sinh miễn phí đầu tiên tại chùa Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và đang tiếp tục khảo sát, tiếp tục xây dựng thêm nhà vệ sinh sạch, miễn phí tại các địa phương khác.
Không lấy tiền nhà nước, không thu tiền của người dân!
Nói về những kế hoạch mà Hiệp hội Nhà vệ sinh VN sẽ thực hiện sắp tới, ông Lê Văn Hiệp cho biết, Hiệp hội sẽ xây dựng bộ quy chuẩn cho các loại nhà vệ sinh, ví dụ như nhà vệ sinh tại trường học, nhà vệ sinh tại công viên, nhà vệ sinh tại bãi biển... để các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo. Hiệp hội cũng sẽ đỡ đầu để các doanh nghiệp, nhà khoa học phát minh ra các thiết bị, giải pháp thông minh nhằm đảm bảo vệ sinh, hạ giá thành, phù hợp với môi trường Việt Nam. Phối hợp, học hỏi kinh nghiệm của Tổ chức World Toilet xây dựng các trường đào tạo nhân viên vệ sinh, nhân viên vận hành... để họ có kiến thức, kỹ năng đảm bảo vệ sinh theo quy chuẩn...
“Khi thực hiện các dự án cải thiện nhà vệ sinh sẽ đảm bảo: Một là không lấy tiền nhà nước, hai là không thu tiền của người dân”, ông Hiệp bộc bạch.
Tuy nhiên, muốn có nhà vệ sinh sạch, miễn phí, cần có cơ chế chính sách, cơ quan trung ương, địa phương cùng tháo gỡ vướng mắc, để phát huy nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp cùng tham gia.
Không có chuyện xin phép ra tạp chí chuyên ngành!
Liên quan đến một số thông tin cho rằng, Hiệp hội Nhà vệ sinh VN đang xin phép ra tạp chí chuyên ngành, ông Lê Văn Hiệp khẳng định: “Hiện tại, Hiệp hội rất mong được cơ quan báo chí, truyền thông đồng hành với chúng tôi, tuyên truyền mạnh mẽ hơn để góp phần thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận của người dân về vấn đề nhà vệ sinh. Chúng tôi cũng có đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ với Hiệp hội Nhà vệ sinh VN trong việc thúc đẩy việc tuyên truyền vấn đề này chứ không phải là đề nghị xin thành lập Tạp chí chuyên ngành như một số thông tin trên mạng.
Nhân đây tôi cũng cảm ơn những người ủng hộ và cả những ý kiến trái chiều, bởi điều đó góp phần làm cho mọi người phần nào suy nghĩ nghiêm túc hơn về thực trạng nhà vệ sinh hiện nay. Phần mình, chúng tôi sẽ nỗ lực thể hiện bằng việc làm hiệu quả”.
Theo Lê Tuyết/Lao động