Hiếm có hiệp hội nào khi thành lập lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ủng hộ lẫn chế giễu như Hiệp hội Nhà vệ sinh VN, được công bố Quyết định thành lập vào ngày 8.11. “Đâu chỉ cười, người ta còn nói tôi bị khùng, biến thái khi suốt ngày đi xăm soi, bỏ tiền của ra nghiên cứu cải thiện nhà vệ sinh”, ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh VN nhiệm kỳ (2018-2020) chia sẻ.
Ông Lê Văn Hiệp giới thiệu Nhà vệ sinh thông minh và miễn phí cho người dân - Ảnh: L.T
Nhiều người cười và cho rằng rất là “mất vệ sinh” và “bốc mùi” khi có cả một Hiệp hội nói về chuyện tế nhị? Ông cảm thấy sao?
- Ông Lê Văn Hiệp: Người Việt mình hay khen Tây, Tây làm cái gì cũng hay. Nhưng có một chuyện mình lại không để ý, đó là Tây họ sang Việt Nam, nếu không có nhà vệ sinh, họ sẽ không bao giờ đi bậy ra ngoài, hoặc nhà vệ sinh bẩn là một điểm trừ trong mắt khách du lịch.
Tôi đi nhiều (ông Lê Văn Hiệp là Trưởng ban Vận động Hiệp hội Nhà vệ sinh tại Việt Nam, Trưởng đại diện tổ chức Nhà vệ sinh thế giới tại Việt Nam – PV), tôi thấy ở các nước phát triển họ rất coi trọng nhà vệ sinh, ngang như phòng khách chứ không phải xem là công trình phụ như ở mình. Vì coi trọng nên nhà vệ sinh của họ sạch và hạn chế được nhiều nguy cơ lây bệnh.
“Nhiều người còn nói tôi bị khùng, biến thái khi đi tìm hiểu nhà vệ sinh“, ông Lê Văn Hiệp chia sẻ
Mấy chục năm nay, chúng ta đối mặt với nhà vệ sinh bẩn, đặc biệt là các khu công cộng, bệnh viện, trường học nhưng ta đã làm gì để cải thiện điều đó? Có thể nhiều người chưa từng dùng nhà vệ sinh bẩn, thế nhưng còn những người phải ở ngoài đường nhiều, họ cũng cần phải được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ. Đi tè bậy thì phạt tiền nhưng mình đã trang bị được nhà vệ sinh sạch sẽ, tiện lợi cho họ chưa?
Chủ trương của tôi là nhà vệ sinh phải miễn phí, sạch và thơm. Bởi một bác xe ôm, ngày đi tiểu ít nhất 5 lần, không thể mỗi lần đi đều phải trả tiền, ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ rằng giám đốc bệnh viện phải sử dụng nhà vệ sinh chung với bệnh nhân, hiệu trưởng, giáo viên phải dùng chung nhà vệ sinh với học sinh… Có như vậy, họ mới có trách nhiệm cải thiện nhà vệ sinh ở bệnh viện, trường học.
Mình muốn là người văn minh, trước hết phải có hành động văn minh, hành động văn minh bắt đầu từ suy nghĩ văn minh. Mình hô hào nhiều rồi, giờ mình phải làm thôi! Tôi nghĩ ai cười tôi bây giờ, sau này họ sẽ hiểu. Bên cạnh người cười thì cũng có rất nhiều người ủng hộ tôi!
Ông Lê Văn Hiệp kỳ vọng sẽ mang đến nhà vệ sinh sạch sẽ và miễn phí cho tất cả người dân.
Sao ông không nghĩ đến một cái tên đẹp đẽ hơn là “Hiệp hội Nhà vệ sinh”?
- Do lâu nay “Nhà vệ sinh” của mình bẩn quá, hôi quá nên nghe tới đó mình dị ứng. Dị ứng rồi không chịu cải thiện, để ngày càng tệ. Ngay từ lúc mới làm hồ sơ xin thành lập hội, nhiều người cũng khuyên tôi nên thay cái tên nhưng tôi nghĩ phải dùng chính xác từ “Nhà vệ sinh” để tác động trực tiếp đến mọi người.
Theo tôi, không phải chỉ có người giàu, người tinh hoa, quý tộc mới được dùng nhà vệ sinh sạch sẽ mà bất kỳ ai cũng phải được dùng nhà vệ sinh sạch. Khi nhà vệ sinh sạch sẽ rồi thì nó cũng giống như phòng khách, phòng ngủ, nhắc đến sẽ không thấy “bốc mùi” nữa.
Mục tiêu 5 năm tới của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là gì?
- Khi đã có Hiệp hội sẽ có tiếng nói chung và tiếng nói sẽ được lắng nghe hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy tiến trình cải thiện chất lượng nhà vệ sinh, mục tiêu là 60% mật độ nhà vệ sinh ở các tỉnh phải được cải thiện chất lượng, miễn phí cho người dùng bằng cách vận động xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước để xây. Thay đổi được ý thức của người dân khi nhìn nhận về nhà vệ sinh. Đào tạo ngắn hạn lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này, đào tạo chuyên ngành cho các bạn khi thiết kế nhà vệ sinh sao cho hợp lý, giá thành rẻ nhưng đảm bảo không phải “xây lên rồi lại đập bỏ”.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Lê Tuyết/Lao động