Sau khi các tuyến đường BOT được đưa vào khai thác nhưng đã hư hỏng hoặc xuống cấp ngay trong giai đoạn bảo hành, Bộ Giao thông Vận tải lần đầu tiên đã có quyết định dừng thu phí đối với các tuyến đường này để "trị bệnh" chất lượng công trình.
Đường hư hỏng thì người dân lưu thông qua sẽ không phải móc túi trả phí. (Nguồn: TTXVN)
Động thái mạnh mẽ này của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ các chuyên gia, người dân cũng như cánh tài xế và từ đó đánh thẳng vào “túi tiền” của nhà đầu tư, giúp việc thi công đảm bảo chất lượng công trình được chú trọng, nâng cao hơn trong thời gian tới.
Đường hỏng, dân không bị “móc túi”
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000-Km65+000) được đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017. Sau 14 tháng vận hành, một số vị trí mặt đường bêtông nhựa bị rạn nứt, tạo ổ gà, việc sữa chữa khắc phục không kịp thời trong khi các phương tiện tham gia giao thông lưu thông với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, coi thường tính mạng con người.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã quyết định yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tạm dừng thu phí trên toàn tuyến từ 0 giờ 00 ngày 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng. Và tới ngày 27/10 vừa qua, sau khi VEC đã khắc phục các vị trí hư hỏng, tuyến đường này mới được thu phí trở lại.
[Dừng thu phí các tuyến đường khai thác bị hỏng, chậm sửa chữa]
Một dự án khác cũng bị “dính tràm” khi bị dừng thu phí đó là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định theo hợp đồng BOT, dài 28,6km được hoàn thành ngày 30/5/2016. Sau hơn hai năm đưa vào khai thác, dự án có nhiều tồn tại, tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng và người dân đã nhiều lần phản ánh về chất lượng khai thác của dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục kịp thời các tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của dự án và Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp cứng rắn khi phán quyết dừng thu phí trạm trạm BOT Bắc Bình Định trên Quốc lộ 1.
Theo các chuyên gia giao thông, tuyên bố của người đứng đầu ngành giao thông Vận tải khiến người dân và đội ngũ tài xế rất hoan nghênh, đồng tình khi liên tiếp thúc giục, chỉ đạo các Tổng công ty, Ban quản lý dự án tăng cường kiểm tra, phát hiện, khắc phục nhanh các hư hỏng (thời hạn không quá một ngày đối với đường cao tốc và không quá 5 ngày đối với các đường khác) nếu không sẽ bị dừng thu phí.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đường hư hỏng, xuống cấp nhưng chủ đầu tư không chịu bỏ tiền ra bảo trì, vẫn tiếp tục khai thác rõ ràng cơ quan chức năng có quyền dừng thu phí để thực hiện trách nhiệm hợp đồng đã ký kết là đúng và cần thiết.
Theo ông Phong, đường BOT hư hỏng nặng mà vẫn tiến hành thu phí là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nói cách khác là người dân bị “móc túi” một cách lộ liễu, phi lý, bởi họ không được sử dụng dịch vụ tốt nhưng vẫn phải trả tiền như bình thường là không thể chấp nhận.
Có khiến nhà đầu tư sợ hãi?
Bổ sung thêm, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trước tiên, cơ quan Nhà nước cần xác định rõ nguyên nhân dẫn tới đường hư hỏng là gì, rồi xác định lỗi do đâu? Sau đó cần tổng rà soát lại toàn bộ vì lỗi đã xảy ra thì sẽ còn tiềm ẩn ở vị trí khác, ảnh hưởng chất lượng toàn tuyến khi khai thác lâu hơn.
Theo góc nhìn của ông Chủng, dù lỗi của ai, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm chính do giám sát chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm. Khi xảy ra hư hỏng mặt đường, chủ đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa, đổ lỗi, đùn đẩy.
“Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp đã mạnh tay xử lý dứt điểm khi đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm, kỷ luật, đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ, tập thể liên quan đến chất lượng công trình giao thông,” ông Chủng nhìn nhận.
Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định dừng thu phí đối với các tuyến đường hư hỏng nếu nhà đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa. (Ảnh: VEC)
Đánh giá cao việc Bộ Giao thông Vận tải mạnh tay xử lý sai phạm khi để đường hỏng, chậm sửa chữa, ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng đây là hành động cần thiết để răn đe những chủ đầu tư chỉ quan tâm đến thu phí mà không nghĩ đến việc phải gấp rút sửa chữa là điều bất hợp lý, không phù hợp với nguyên tắc kinh doanh.
Ông Quyền tỏ ra băn khăn không biết đường hỏng bao nhiêu % thì buộc dừng thu phí? Việc dừng thu phí này được Bộ Giao thông Vận tải giám sát như thế nào? Những thất thu từ việc dừng thu phí nhà đầu tư sẽ gánh chịu trong hợp đồng hay là tính thêm vào thời gian hoàn vốn của dự án?
“Cơ quan chức năng có thể cần truy cứu trách nhiệm tới cùng của chủ đầu tư, đơn vị vận hành đường BOT khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến chất lượng đường không đảm bảo, ngoài trách nhiệm dân sự phải bồi thường cho người đi đường cần xem xét trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng,” ông Quyền chia sẻ.
Thừa nhận Bộ Giao thông Vận tải chỉ xử lý ở mức kiểm điểm, đình chỉ công tác chỉ là quá nhẹ, mới là phần ngọn, một số chuyên gia bày tỏ chính kiến, lẽ ra, Bộ chủ quản phải thực thi “bàn tay sắt” bằng cách “trảm tướng” hoặc luân chuyển công tác để vị trí đó cho người có năng lực thực sự, tâm huyết với công tác thi công. Làm như vậy, người đứng đầu mỗi Ban quản lý dự án, Tổng công ty sẽ có trách nhiệm cao với công việc, bởi nếu không chiếc ghế của họ có thể “bay” bất cứ lúc nào.
Các chuyên gia trên cũng cho rằng, những lái xe chính là “tai mắt”, là kênh giám sát trực tiếp giúp Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát tốt nhất tới chất lượng con đường bởi họ vốn là những người thường xuyên phải bỏ tiền để chi trả đoạn đường xe chạy qua.
Tuy nhiên, tuyến đường đó có xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” mà cánh tài xế bỏ ra thì trách nhiệm ngành giao thông vận tải phải thường xuyên giám sát, tiếp nhận thông tin, hình ảnh đường hỏng để nắm bắt được tình hình, từ đó có những phản hồi thích đáng và nhanh chóng yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa.
Có như vậy, chủ xe và người dân mới “tâm phục, khẩu phục” và tin tưởng với hành động nói đi đôi với làm của người đứng đầu ngành giao thông vận tải./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)